Trang chủ Khám phá Khám phá 6 hương vị trà nổi tiếng trên thế giới

Khám phá 6 hương vị trà nổi tiếng trên thế giới

17
0
Chia sẻ

Trà là thức uống phổ biến, được tiêu thụ nhiều tại mỗi quốc gia. Dưới đây là các loại trà làm nên thương hiệu ở một số nước, có công dụng tốt với sức khỏe mà có thể bạn chưa biết.

Trà ô long (Trung Quốc): Trung Quốc được biết đến là xứ sở của các loại trà. Trong đó, trà ô long được tìm kiếm nhiều nhất ở vùng núi Wuyi, tỉnh Phúc Kiến. Màu sắc và hương thơm của thức uống này quyết định bởi quá trình lên men, có thể thay đổi theo khu vực trồng hoặc phụ thuộc vào kỹ thuật oxy hóa lá trà.

Theo lịch sử, thức uống sẽ được phục vụ tại buổi trà đạo Gongfu, phong tục được cho là đã xuất hiện trong triều đại nhà Tống. Buổi lễ thể hiện sự tôn trọng với khách mời và mảnh đất tạo nên lá trà. Trong khi khách nhâm nhi trà ô long, chủ nhà có thể chuẩn bị thêm một số món truyền thống để mời mọi người thưởng thức.

Trà bạc hà (Morocco): Món đồ uống truyền thống này được ủ bằng trà gunpowder (hay trà thuốc súng) có nguồn gốc từ tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Sau khi đun nóng, trà sẽ kết hợp cùng lá bạc hà tươi và đường. Thức uống bắt đầu du nhập vào thế kỷ 17 dưới thời vua Moulay Ismail. Mãi đến thế kỷ 20, trà bạc hà mới trở nên phổ biến với mọi tầng lớp. Ảnh: Thespruceeats.

Trà bạc hà là biểu tượng của lòng hiếu khách, trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống ở Morocco. Người pha sẽ rót trà trong ấm bạc từ trên cao vào ly. Nếu xuất hiện bọt nổi lên sau đó nghĩa là thức uống đã được pha thành công. Trà sẽ phục vụ ba lần trong khi ngồi, mỗi ly mang tới một ý nghĩa khác nhau. Ảnh: Sublimehouseoftea.

Trà masala chai (Ấn Độ): Masala chai được du khách ở khắp nơi trên thế giới yêu chuộng bởi sở hữu vị ngậy béo và cay đặc biệt. Trà được pha với hỗn hợp các loại gia vị thơm và thảo dược. Một số nguyên liệu phổ biến có thể kể tới như thảo quả, quế, thì là, gừng, đinh hương, hạt tiêu đen, hồi.

Có nhiều truyền thuyết xung quanh nguồn gốc của masala chai. Câu chuyện xuất phát từ một vị vua mơ ước tạo ra loại đồ uống có thể chữa bệnh cho người dân của mình hoặc có thể bắt nguồn bởi một tu sĩ Ấn Độ đã học hỏi nghi lễ địa phương của người nông dân Trung Quốc. Mỗi người pha chế loại đồ uống này sẽ tạo ra hương vị khác nhau với sự tinh tế riêng. Ảnh: Archanaskitchen.

Trà matcha (Nhật Bản): Matcha là nguyên liệu được nhiều người yêu chuộng, thường xuất hiện phổ biến trong các công thức nấu ăn trên toàn thế giới. Đây từng là loại đồ uống quý giá mà chỉ có tu sĩ hay giới quý tộc mới có cơ hội thưởng thức. Thức uống xuất hiện ở Nhật Bản vào thế kỷ thứ 12, phần lớn được sử dụng bởi các vị thiền sư phật giáo trong các nghi lễ trà đạo. Ảnh: Dfordelhi.

Ngày nay, trà matcha là món đồ uống biểu tượng cho nền văn hóa, thể hiện sự hào phóng và lòng hiếu khách ở Nhật Bản. Nhiều người gọi matcha là “thần dược” bởi công dụng tốt cho sức khỏe, được ví như nguồn thuốc quý luôn được sử dụng thường xuyên trong đời sống hàng ngày.

Yerba Mate (Argentina, Nam Mỹ): Đây là một loại trà nổi tiếng, đặc trưng tại đất nước Argentina và toàn khu vực Nam Mỹ. Theo truyền thống, loại trà này sẽ được thưởng thức trong một chiếc ly bầu, nhâm nhi bằng ống hút kim loại có tên gọi bomilla để giúp lọc bã. Yerba Mate được làm từ lá cây llex paraguariensis, sau đó sẽ đem đi sấy khô trên lửa và nghiền vụn. Ảnh: Lifespan.

Yerba Mate thường được thưởng thức khi đã nguội. Trong lần thử đầu tiên, bạn sẽ cảm nhận rõ vị đắng chát. Tuy nhiên, khi đã làm quen với thức uống này, hương vị thơm nồng và đậm đà chắc chắn khiến nhiều người mê mẩn. Chính vì sở hữu hàm lượng caffeine lớn, trà trở thành lựa chọn của nhiều cầu thủ bóng đá trong các trận đấu để bổ sung năng lượng và giúp tỉnh táo. Ảnh: Picadilist.

Trà đen (Vương quốc Anh): Đây được biết đến là một trong những loại trà được ưa chuộng nhất tại Anh. Trước kia, tiệc trà chiều thường chỉ dành riêng cho giới quý tộc. Tuy nhiên, nghi thức này đã trở thành bản sắc văn hóa của đất nước và lan rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới. Ảnh: Goodfon.

Người Anh thường thưởng thức trà đen với bánh quy, bánh ngọt hoặc bánh mì kẹp tại các nhà hàng hay quán trà. Đến nay, thức uống này vẫn luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân xứ sở sương mù.

Nguồn: Zing