Trang chủ Sống Ngủ trưa không phải lười biếng mà là cách làm việc của...

Ngủ trưa không phải lười biếng mà là cách làm việc của kẻ thông minh

36
0
Chia sẻ

Người xưa thường nói: “Giàu đâu những kẻ ngủ trưa, sang đâu những kẻ say sưa tối ngày”. Thế nhưng, khoa học cũng đang ngày một chứng minh, ngủ trưa là một biện pháp rất hay để tái tạo năng lượng, làm việc hiệu quả và năng suất hơn cho ngày dài.

Ngủ trưa giờ không còn là "đại diện" cho sự lười biếng mà là cách làm việc của kẻ thông minh, nhưng bạn nhất định phải biết điều này

1. Tỷ lệ ngủ trưa rất thấp tại Mỹ

Theo một cuộc khảo sát về Xu hướng Nhân khẩu học & Xã hội của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Pew Research Center), trong một nhóm 2.969 người trưởng thành sống ở Hoa Kỳ, chỉ có khoảng 30% người dân Mỹ thường ngủ trưa.

Trong đó, tỷ lệ nam giới cao hơn nữ giới với con số chênh lệch là 38% và 31%, sự cách biệt càng tăng lên cùng với độ tuổi, 41% nam giới trên 50 tuổi ngủ trưa so với 28% phụ nữ cùng nhóm độ tuổi đó.

Đặc biệt hơn là, ngủ trưa phổ biến hơn ở nhóm người có mức thu nhập thấp; khoảng 42% người trưởng thành có thu nhập hàng năm dưới 30.000 đô la so với 21% ở nhóm thu nhập 75.000 – 99.000 đô la hoặc 33% ở nhóm thu nhập trên 100.000 đô la.

Ngủ trưa giờ không còn là đại diện cho sự lười biếng mà là cách làm việc của kẻ thông minh, nhưng bạn nhất định phải biết điều này  - Ảnh 1.

Theo Inc., năm 2008, chỉ có 1% công ty cho phép nhân viên ngủ trưa tại chỗ làm. Tới tháng 9/2015, con số này tăng lên khoảng 6%. Ví dụ điển hình là những doanh nghiệp cấp tiến như Pixar, Cisco, Google…

Mark Holmes, Giám đốc nghệ thuật tại Pixar từng trả lời trước phóng viên rằng: “Giấc ngủ sẽ giúp bạn xóa bỏ sự lặp đi lặp lại, mãi đâm đầu vào một vấn đề. Nó giúp bạn khôi phục trạng thái ban đầu. Bạn tỉnh dậy và nhận ra rằng- chờ một chút – có một phương pháp khác để giải quyết vấn đề này!”.

2. Không ngủ trưa, bạn có thể bỏ lỡ điều gì?

Ngủ trưa không phải là sự thay thế cho giấc ngủ về đêm, nhưng có bằng chứng mạnh mẽ cho thấy, ngủ trưa có thể cải thiện hiệu suất và sự tỉnh táo của bạn.

Một đánh giá tài liệu năm 2017 được xuất bản trên tạp chí Sleep Medicine giải thích rằng: Bạn càng thức lâu, trí nhớ và các khả năng nhận thức khác của bạn càng suy giảm, và một giấc ngủ ngắn vào buổi trưa có thể giúp bạn “phục hồi” nó nhanh chóng.

Ngủ trưa thực sự hữu ích khi giảm thiểu tác động của việc thiếu ngủ đến tâm trạng, sự tập trung, tư duy cảm xúc và nhận thức của bạn.

Ngủ trưa giờ không còn là đại diện cho sự lười biếng mà là cách làm việc của kẻ thông minh, nhưng bạn nhất định phải biết điều này  - Ảnh 2.

Cụ thể hơn, một người không ngủ trưa có thể sẽ bỏ lỡ những tác dụng tuyệt vời sau:

– Giảm 37% nguy cơ mắc bệnh tim mạch

– Tăng cường hệ miễn dịch

– Ngăn ngừa mất trí, cải thiện trí nhớ

– Kiểm soát cân nặng, giảm cảm giác đói bụng

– Thúc đẩy quá trình tái tạo da

– Gia tăng cảm giác sảng khoái, thư giãn đầu óc

– Giúp tăng sự tỉnh táo, khả năng tập trung và xử lý thông tin

3. Ngủ trưa thế nào để tăng hiệu quả?

Giữ giấc ngủ ngắn

Trước khi ngủ trưa, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ khuyên rằng, nên đặt báo thức từ 15 đến 30 phút. Tại sao?

Theo Mayo Clinic, bạn càng ngủ lâu, càng có nhiều khả năng thức dậy trong uể oải, chậm chạp. Cố gắng tạo thành những giấc ngủ ngắn để nhanh chóng tỉnh táo với cảm giác được nạp năng lượng và sẵn sàng làm việc cho buổi chiều.

Ngủ trưa sớm hơn

Lý do khiến mọi người ít ngủ trưa vì cho rằng chúng sẽ trở thành tác nhân gây mất ngủ hàng đêm. Nhưng nếu bạn có thể sắp xếp các giấc ngủ ngắn vào đầu giờ chiều (Mayo Clinic gợi ý: trước 3 giờ chiều) thì nguy cơ này sẽ giảm xuống.

Tất nhiên, bạn có thể điều chỉnh tùy thuộc vào hoàn cảnh của mình (ví dụ: nếu cần làm việc ca đêm thì nên ngủ muộn hơn với giấc dài hơn).

Nên nằm thoải mái

Mặc dù bạn có thể chợp mắt nhanh chóng ngay tại vị trí đang làm việc, nhưng giấc ngủ sẽ đạt hiệu quả tốt nhất khi nằm xuống trong tư thế thoải mái.

Ngủ trưa giờ không còn là đại diện cho sự lười biếng mà là cách làm việc của kẻ thông minh, nhưng bạn nhất định phải biết điều này  - Ảnh 3.

Chặn ánh sáng và âm thanh xung quanh

Có nghiên cứu quan trọng cho thấy âm thanh và ánh sáng sẽ làm gián đoạn giấc ngủ. Nếu bạn chỉ có 30 phút để chợp mắt ngủ trưa, hãy tận dụng tối đa bằng cách sử dụng miếng che mắt, nút bịt tai… hoặc đơn giản là tìm đến một nơi yên tĩnh.

Làm gì đó kích thích năng lượng khi tỉnh dậy

Giống như khởi động một cỗ máy sau thời gian dài, bạn cần một cú huých mang tính “kích thích” để bộ não vận hành trở lại, thoát khỏi trạng thái uể oải, chậm chạp khi vừa thức giấc. Ví dụ như đi lại, rửa mặt, uống nước…

CDC cho biết, bạn cũng có thể cân nhắc uống một ít caffein trước khi ngủ, tối đa 100 miligam caffein, tương đương với một tách cà phê. Caffein sẽ mất khoảng 30 phút để đánh thức bạn. Vì vậy, nó sẽ trùng khớp với thời gian cần tỉnh dậy của bạn.

4. Ngủ trưa nhiều (hơn 60 phút) có tốt không?

Các chuyên gia cũng khuyên rằng, ngủ trưa đúng cách kéo dài từ 15 – 30 phút và không được kéo dài quá 40 phút là thời gian ngủ trưa tốt nhất. Việc ngủ trưa quá nhiều không thực sự tốt cho hiệu quả làm việc của bạn. Do đó, giấc ngủ >60p được coi là giấc ngủ trưa dài và không được khuyến khích nhiều.

Mặc dù chúng có lợi cho sức khỏe thể chất và tinh thần do giấc ngủ đảm bảo đủ các giai đoạn như ngủ nông, ngủ sâu, giai đoạn chuyển động mắt nhanh REM và có thể xuất hiện những giấc mơ, y hệt như giấc ngủ ban đêm.

Tuy nhiên, thời gian ngủ quá dài có thể làm bạn khó ngủ vào đêm, gây mệt mỏi, uể oải sau khi thức dậy sáng hôm sau. Một số trường hợp cảm thấy choáng váng, trì trệ sau khi rơi vào trạng thái ngủ sâu suốt buổi trưa và chiều.

Để có thời gian ngủ chính xác và ổn định, đồng hồ báo thức là vật dụng hữu hiệu nhất. Các bạn nên xây dựng thời khóa biểu giấc ngủ khoa học, có tổ chức, duy trì trong một thời gian dài để tạo thành thói quen tốt cho cơ thể. Lưu ý ăn trưa cách thời gian đi ngủ từ 15 – 30 phút.

Nhiều người thấy rằng, ngủ trưa là phí thời gian và là biểu hiện của người lười biếng, nhưng việc đầu tư 30 phút để thư giãn lại có thể giúp bạn gia tăng hiệu suất làm việc tốt hơn cho buổi chiều thì sẽ không còn là việc vô dụng nữa.

Nhà báo Tony Schwartz đã từng viết trong cuốn sách “Đừng làm việc chăm chỉ, hãy làm việc thông minh”: Thói quen ngủ trưa chỉ có thể được thiết lập thành công trong các tổ chức khi ngủ trưa được xem là một phần không thể thiếu trong nỗ lực sâu rộng và có hệ thống hơn để xây dựng văn hóa nhận thức tầm quan trọng của nghỉ ngơi đối với công việc.

Nguồn: Cafef