Trang chủ Khám phá ‘Người giao sữa’ hay câu chuyện về thời kỳ nhiễu nhương

‘Người giao sữa’ hay câu chuyện về thời kỳ nhiễu nhương

66
0
Chia sẻ

Tháng 4/2020, Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam giới thiệu tới bạn đọc tác phẩm Người giao sữa – cuốn tiểu thuyết phi thường về sự trưởng thành của con người trong một thế giới ngập tràn cạm bẫy.

Năm 2018, với tiểu thuyết Người giao sữa, Anna Burns đã ghi tên mình thành nhà văn Bắc Ireland đầu tiên nhận giải thưởng Man Booker danh giá và tạo nên một tiếng vang lớn trong cộng đồng văn chương.

Trong một thành phố không tên, một cô gái 18 tuổi bị một kẻ được gọi là Người giao sữa rình rập. Cô không chỉ phải trốn tránh hắn, mà còn phải đối phó với những đơm đặt đàm tiếu từ chính gia đình và cộng đồng của mình. 

Người giao sữa là cái nhìn của một cô gái trẻ về thời kỳ Nhiễu nhương ở Ireland, thời điểm mà những xung đột tôn giáo và chính trị len lỏi vào mọi ngõ ngách trong đời thường, tạo nên một bầu không khí ngột ngạt, sợ hãi nhưng cũng không kém phần nực cười. Bằng văn phong lạnh lùng và châm biếm, Anna Burns đưa người đọc đi xuyên qua một cuộc sống u ám trĩu nặng thứ lịch sử đầy mất mát và nghi kỵ, nơi mỗi hành động dù nhỏ nhất đều kéo theo một mê cung bất tận những nguy cơ và chằng chịt những hậu quả khôn lường.

Bối cảnh của cuốn tiểu thuyết gắn liền với thời kỳ Nhiễu nhương ở Ireland, mà trung tâm xung đột là thành phố Belfast, thủ phủ của Bắc Ireland, cũng là quê nhà của chính Anna Burns. Thời kỳ này được cho là bắt đầu từ năm 1970 và kết thúc vào năm 1998. Nguồn gốc của thời kỳ này là mối quan hệ không mấy êm ấm giữa Liên hiệp Vương quốc Anh và Ireland trong lịch sử, khi một bên không ngừng tìm cách độc lập, còn một bên lại nỗ lực tìm cách kiểm soát và sáp nhập.

Hệ quả là Ireland bị chia cắt thành hai quốc gia với hai chính thể riêng biệt: Ireland hay Cộng hòa Ireland độc lập, thủ phủ là Dublin; và Bắc Ireland nằm trong khối Đại vương quốc Anh (UK), thủ phủ là Belfast. Kể từ thời điểm bị chia cắt, ở Ireland thường xảy ra xung đột giữa hai phe: những người theo chủ nghĩa dân tộc Ireland muốn thống nhất đất nước về một mối, và những người theo chủ nghĩa hợp nhất ở Bắc Ireland tuyên bố trung thành với Hoàng gia Anh.

Xung đột giữa hai phe này không chỉ đơn thuần về mặt chính trị, mà còn mang tính chất tôn giáo, khi những người theo chủ nghĩa dân tộc Ireland chủ yếu là người Công giáo, còn những người chủ nghĩa hợp nhất lại theo Tin lành.

Thời kỳ Nhiễu nhương ở Ireland được coi là một cuộc chiến tranh “cấp độ thấp”, ở đó tình trạng xung đột không căng thẳng đến mức cắt đứt hoàn toàn nếp sống bình thường. Thay vào đó, nó trộn vào trong nếp sống, khiến cho xung đột, chết chóc trở thành một phần dường như tất yếu của đời sống, đến mức người ta chẳng còn băn khoăn hay sợ hãi nữa.

_______________________________
“Vừa gây sợ hãi lại vừa truyền cảm hứng, Người giao sữa là tác phẩm có phong cách tuyệt đối riêng biệt… Một câu chuyện hoàn toàn độc đáo về Ireland vào thời kỳ Nhiễu nhương qua trí óc của một cô gái trẻ… Một tác phẩm choáng váng.”
– Hội đồng giám khảo giải Man Booker

Thứ mà Người giao sữa cố gắng soi rọi dứt khoát không phải là cuộc chiến tranh, mà là cái cuộc sống bị chiến tranh ấy phủ bóng, để rồi trở nên vừa bình thường vừa quái gở. Nó giải phẫu những tác động của xung đột ý hệ đối với tinh thần con người, thứ đã biến xã hội thành một mê cung không lối thoát.

Thứ nổi bật nhất trong Người giao sữa chính là các ranh giới: ranh giới giữa nơi đây với “nước bên kia biển”, hay giữa “tôn giáo của họ” và “tôn giáo của chúng tôi”. Sự phân chia còn xuyên thấm đến những thứ vô cùng cá nhân: có “Bơ đúng. Bơ sai. Trà trung thành. Trà phản bội. Ta học trường nào. Ta tụng kinh gì. Ta hát thánh ca nào. Ta phát âm ra sao. Ta đi làm ở đâu.”

Mọi thứ đều được chia phe, đến nỗi “ta sẽ tạo ra một tuyên bố chính trị bất kể đi đâu, làm gì, ngay cả khi ta không muốn.” Không thể làm gì mà không chạm vào những sợi dây phân cách giăng mắc khắp nơi. Tình cờ thắng được một món đồ đấu giá, mà món đồ ấy xuất xứ từ “nước bên kia biển” và có thể mang hình quốc kỳ thù địch, chỉ việc ấy thôi hoàn toàn có thể đẩy một người vào cảnh nguy hiểm tính mạng.

Thậm chí, trong thế giới của Người giao sữa, người ta không thể chết bình thường, chết vì lý do tự nhiên được. Luôn luôn phải chết vì lý do chính trị, vì phe nọ, chống phe kia, bởi nếu không thì cái chết đó là bất khả lĩnh hội.

Ngập trong mạng nhện chồng chéo của những chia cắt, con người trong Người giao sữa có đời sống chìm trong nỗi sợ. Người ta sợ yêu và sợ lấy người mình yêu, bởi một ngày nào đó chắc chắn những vấn đề chính trị sẽ tước đi người thân yêu của họ, bởi ở đây cái chết dường như là điều phổ biến và bình thường, đến mức nghĩa trang không được gọi là nghĩa trang, mà được gọi là “chỗ thường lệ”, và gia đình nào cũng có ít nhất một người chết vì lý do chính trị.

Người ta sợ cái đẹp, bởi “nếu nó đẹp […] rồi chúng tôi thích nó, quen dần với nó, tươi tỉnh lên vì nó, đâm ra dựa dẫm vào nó, để rồi nó bỏ đi, hay bị giật mất, không bao giờ nó trở lại? Cảm nghĩ phổ biến là tốt nhất không có nó từ đầu”. Người ta sợ hãi những gì khác biệt, tìm cách tiêu diệt, hủy hoại chúng. Nhân vật người kể chuyện bị xếp vào danh sách những người “quá giới hạn” bởi cô có thói quen “vừa đi vừa đọc” như một cách tự vệ với thế giới xung quanh.

Hay “người giao sữa thật” cũng trở thành kẻ quá giới hạn bởi ông kiên quyết không nhẫn nhục chịu đựng sự áp chế của phe nổi loạn. Sự quái gở của xã hội ấy thể hiện đỉnh điểm ở việc con người sợ những “người tươi sáng”, sợ những nguồn năng lượng tích cực tác động đến cuộc sống của họ. Nỗi khiếp đảm ấy cực đoan đến mức “họ giết nó vì nó mến họ, vì họ không chịu nổi việc yêu mến, không chịu nổi sự ngây thơ, thẳng thắn, cởi mở, không chịu nổi sự không đề phòng, sự cảm mến và sự thuần khiết trìu mến đến thế”.

Sợ hãi khiến con người trở nên vô cảm, hèn nhát và độc ác, từ đó họ trở thành công cụ kiểm soát của chính những ý hệ đang đè nén mình: những lời đồn thổi, đàm tiếu tràn lan trong Người giao sữa không chỉ thuần túy để đưa chuyện, mà đó còn là cách người ta tự vệ trước sự tích cực, sự khác biệt. Câu chuyện cô gái mười tám tuổi bị một người đàn ông rình rập rốt cuộc trở thành một câu chuyện khác, bị chất thêm bao nhiêu ý nghĩa qua những lời đàm tiếu, mà nhân vật chính không phương cách nào thoát ra được: bởi im lặng hay không làm gì cũng lại là một hành động chính trị trong mắt cộng đồng.

Hệ quả là, có những thời điểm, nỗi ám ảnh với cộng đồng của nhân vật chính còn kinh khủng hơn nỗi ám ảnh với kẻ quấy rối, đến mức cảm thấy cộng đồng rình rập trong nhà, dưới gầm giường, sau cánh cửa. Cuộc sống tức thì trở thành một mê cung, mà một sự kiện có thể kích hoạt một chuỗi vô tận những hệ quả không cách nào đoán được, khiến con người chỉ còn biết chấp nhận mắc kẹt trong cái mạng lưới khủng khiếp ấy.

Người giao sữa dựa trên thời kỳ Nhiễu nhương ở Ireland, nhưng dứt khoát nó không chỉ nói riêng về giai đoạn lịch sử ấy. Cuộc sống bất an đến kỳ dị đó không chỉ hiện diện ở Belfast vào những năm tháng Nhiễu nhương, mà có thể xuất hiện ở bất cứ nơi đâu, mỗi khi nhân tính bị đặt xuống hàng dưới, bị đè bẹp bởi nỗi sợ hãi và sự chia cắt trong ý thức hệ con người.

________________________
Anna Burns (sinh năm 1962) là một trong những gương mặt tiêu biểu của văn chương Bắc Ireland. Bà sinh ra và lớn lên ở Belfast, thủ phủ của Bắc Ireland. Năm 1987, bà chuyển tới Anh và định cư ở đây.

Năm 2018, giải thưởng văn chương Man Booker đã được trao cho Anna Burns với tiểu thuyết Người giao sữa. Trước khi được vinh danh như là nhà văn Bắc Ireland đầu tiên nhận giải thưởng văn chương danh giá này, Anna Burns đã xuất bản 2 tiểu thuyết khác và được đánh giá cao, nhưng chưa được công chúng biết đến rộng rãi.

Bởi vậy, việc Người giao sữa được trao giải Man Booker, cùng nhận định của Kwame Anthony Appiah, chủ tịch hội đồng giám khảo giải thưởng, rằng đây là một cuốn sách “cực kỳ độc đáo”, và “ngôn ngữ trong cuốn sách của Anna Burns chỉ có thể nói là hết sức phi thường”, đã giúp bà một lần nữa khẳng định tài năng cùng như vị trí của mình trên văn đàn và thu hút sự quan tâm của độc giả văn chương trên toàn thế giới.

Nguồn: Nhã Nam