Trang chủ Sống Thành công có làm người ta hạnh phúc?

Thành công có làm người ta hạnh phúc?

36
0
Chia sẻ

Nhà văn Ayodeji Awosika khuyên rằng: Mọi người nên phấn đấu có được thành tựu và vật chất mà họ muốn, để nhận ra đó không phải là hạnh phúc.

Theo Awosika, sự thay đổi của con người bạn khi thành công mới đem lại hạnh phúc. Hạnh phúc thậm chí không phải từ chính xác nhất để miêu tả cảm xúc đó. Có lẽ dùng cụm từ “được thỏa mãn” sẽ phù hợp hơn.

“Tôi thích được là người hữu ích. Đối với tôi, hạnh phúc như một sản phẩm phụ khi làm vậy”, Awosika cho hay.

Nếu có suy nghĩ như Awosika, bạn là người tham vọng. Bạn sẽ không bao giờ hạnh phúc khi nhàn rỗi. Bạn luôn lo lắng khi không hành động. Do vậy, hãy tìm một cái gì đó bạn giỏi nhất và gắn bó với nó. Trước khi Awosika đến với công việc viết lách, ông đã thất bại nhiều thứ. Giờ đây, ông nhận ra sẽ làm công việc này mãi mãi.

Có rất nhiều “thứ” để bạn tìm thấy. Bạn không cần một mục đích sống kỳ diệu. Bạn có nhiều thứ hơn tài năng. Nếu bạn không tìm thấy cái phù hợp với mình và bắt đầu làm việc với nó, bạn sẽ bị mắc kẹt.

“Như tôi đã nói ở trên, thành công không làm bạn hạnh phúc. Trong thực tế, nó có thể khiến bạn đau khổ. Đó là lý do một số người nổi tiếng và giàu có vẫn tự sát. Họ có được mọi thứ họ muốn nhưng họ vẫn không hạnh phúc”, Awosika cho hay.

Bất cứ khi nào bạn đạt được một cột mốc mới trong cuộc sống, bạn sẽ nhanh chóng chán và muốn nhiều hơn nữa. Bạn không thể lấp đầy khoảng trống trong cuộc sống của mình bằng những thành tựu và vật chất.

Trong thực tế, bạn không cần bất cứ điều gì để được hạnh phúc. Bạn chỉ cần hoàn toàn biết ơn những gì đang có và chỉ tập trung vào thời điểm hiện tại bởi vì đó là tất cả những gì đang hiện hữu.

Ảnh minh họa: Oxygen Magazine.
Ảnh minh họa: Oxygen Magazine.

Việc tập trung vào tương lai và thế chấp hiện tại là bước đi sai lầm. Tương lai không bao giờ cho bạn được như mong đợi. Do vậy, nhiều người trở nên giàu có và nổi tiếng, những người không tự sát, cuối cùng hướng tới tâm linh và đi theo hướng triết học phương Đông.

Nhiều người không nhận ra cuộc sống của mình tuyệt vời thế nào chỉ vì họ còn sống. Hãy nhìn vào thời điểm hiện tại. Có bao nhiêu thú vui đơn giản bạn nhận ra trước khi đại dịch xuất hiện? Ai biết giá trị của các quyền tự do cơ bản đến khi mất chúng vì phải hạn chế ra ngoài để ngăn chặn dịch bệnh?

Trước tiên, theo Awosika, để nhận ra được hạnh phúc, bạn phải tránh những sai lầm mà hầu hết mọi người đều phạm phải. Đó là, sống trong tình trạng lấp lửng.

Họ không nỗ lực liên tục để thành công cũng không cảm thấy biết ơn và hài lòng thực sự với những gì đang có. Thay vào đó, họ hợp lý hóa việc thiếu thành công thành bằng lòng. Dù vậy, tận sâu trong lòng họ ghen tị với những người thành công và điều này khiến họ không bao giờ thực sự thỏa mãn.

Cuộc sống trong tình trạng lấp lửng thể hiện dưới dạng phẫn nộ mà chúng ta thấy trong xã hội. Năng lượng tiêu cực này bắt nguồn từ việc thiếu mục đích sống. Cuối cùng, những người như vậy sa vào tệ nạn như chơi bời bất chấp, lạm dụng chất gây nghiện và vô số cách “giết” thời gian hoặc tinh thần không lành mạnh khác.

“Bạn ở trong một vòng lặp lo lắng liên tục. Cuộc sống thật trì trệ. Bạn muốn làm cái gì đó để thay đổi. Sau đó, bạn cố gắng làm một cái gì đó. Bạn có chút động lực hoặc thoáng hy vọng. Nhưng nó mờ dần. Bạn thấy tồi tệ về chính mình vì không thể tự thúc đẩy bản thân. Bạn lo lắng và chôn vùi nó đi. Trở lại sự trì trệ”, Awosika nói.

Hầu hết mọi người trải qua chu kỳ này trong cuộc đời. Cách vượt qua là tập trung vào cả hai điều trong suốt cuộc đời: phấn đấu và biết ơn những gì đang có.

Bạn có thể nỗ lực để đạt được những gì bạn muốn trước, sau đó suy nghĩ về cuộc sống. Bởi vì nếu bạn không đạt được một mức độ thành công nhất định, bạn sẽ luôn tự hỏi nó sẽ thế nào và sẽ luôn đố kị với những người có thứ bạn muốn.

Ngoài ra, có được những thứ bạn muốn không giải quyết được vấn đề của bạn, nhưng nó thường có thể làm bạn tĩnh tâm hơn. Bạn sẽ tập trung hơn để phát triển tinh thần khi không còn phải nghĩ đến tiền bạc hay các hóa đơn.

“Tôi nghĩ mọi người nên trở nên giàu có và nổi tiếng, làm mọi thứ họ từng mơ ước để có thể thấy rằng đó không phải là câu trả lời (về hạnh phúc)”, nam diễn viên nổi tiếng người Mỹ Jim Carey cho hay.

Hãy tiến về phía trước, cố gắng thành công, đạt được điều bạn muốn và nhận ra điều đó không như những gì bạn nghĩ, sau đó suy ngẫm và quay trở lại phấn đấu.

Hãy tưởng tượng ra cái chết của chính mình và dùng nó như một lăng kính để tìm ra bạn thực sự muốn gì. Từ đó, bạn sẽ đi theo hành trình của chính mình. Không phải hành trình của sếp, không phải của xã hội và chắc chắn không phải hành trình mà ai đó muốn bạn thực hiện.

Nguồn: VnExpress