Trang chủ Sống Thầy giáo Tây cầm bảng ‘giúp tiền’: ‘Người Việt quá nhân từ;...

Thầy giáo Tây cầm bảng ‘giúp tiền’: ‘Người Việt quá nhân từ; tôi ổn, xin không nhận nữa!’

36
0
Chia sẻ

“Tôi thật sự đã ổn. Thậm chí bây giờ tôi có quá nhiều công việc mà không thể làm hết. Tôi xin phép từ chối để nhường những điều đó cho người khó khăn khác”, thầy giáo Tây cầm bảng xin tiền mua thức ăn chia sẻ.

Ông J. đang trò chuyện với chị Anh qua điện thoại. Ảnh: Trịnh Thanh


Người Việt quá nhân từ

Tối 13.4, tại nhà trọ mà thầy giáo Tây dạy tiến Anh J.D (58 tuổi, người Anh, người cầm bảng đứng xin tiền “giúp mua thức ăn” ở TP.HCM mà Thanh Niên phản ánh) đang ở, mặc dù trời đã tối nhưng vẫn có nhiều người tìm đến tặng quà và chia sẻ khó khăn với người thầy trong cảnh khốn khó.Vợ chồng anh Nam và chị Anh đang sinh sống và làm việc tại thành phố Melbourne, Úc.

Ngay khi đọc được câu chuyện của thầy J. trên Báo Thanh Niên, anh chị đã liên hệ với dì mình là bà Trang nhờ chuyển đến thầy sự giúp đỡ nhỏ.“Thời gian này ai cũng khó khăn cả. Chúng ta đi cùng nhau, hỗ trợ nhau thì sẽ vượt qua tất cả”, anh Nam chia sẻ qua điện thoại.

Đứng trước nhà thầy giáo Tây rất lâu, bà Vũ Thị An (56 tuổi) đang suy nghĩ cách giúp đỡ thầy như thế nào cho hợp tình, hợp lý.Bà chia sẻ: “Tôi thích giúp đỡ những người khó khăn như vậy. Không phải tôi giàu có gì mà chỉ đơn giản là từ tấm lòng của mình, hỗ trợ thầy qua giai đoạn khó khăn. Người Việt Nam mình rất nhân từ! Biết hoàn cảnh của ai, dân mình xuống tận nơi, phải mắt thấy, tai nghe mà tình nguyện giúp chứ chẳng ai ép buộc”.

Ông John nói với người đến thăm, tặng quà hãy để lại cho người khác. Ảnh: Trịnh Thanh


Trước hoàn cảnh của thầy J., anh Nguyễn Hồng Nam (45 tuổi) không khỏi chạnh lòng. “Bản thân tôi cũng là giáo viên. Thấy thầy cũng là một giáo viên, phải cầm bảng đứng ngoài đường xin tiền như vậy tôi rất buồn. Trong tôi có chút gì đó vừa đồng cảm và vừa xót xa. Hơn nữa, thầy là giáo viên nước ngoài, sống nơi đất khách quê người đâu có nơi nương tựa”, anh Nam chia sẻ.

Anh nhớ lại thời gian đi dạy thêm ở trung tâm cũng có các giáo viên nước ngoài. Họ rất khó chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống với người Việt mặc dù là đồng nghiệp của nhau. Vì vậy, anh cho rằng hoàn cảnh của thầy giáo Tây thật sư đáng thương và cần nhận được sự giúp đỡ.

Trời càng tối thì lượng người đến càng đông. Ảnh: Trịnh Thanh

‘Tôi ổn rồi, xin nhường cho người khác’

Bà Mỹ Phương (55 tuổi) là hàng xóm với ông J. Bình thường, hai người ít trò chuyện, tiếp xúc nên khi ông đưa tờ giấy mượn tiền khiến bà ngỡ ngàng. “Ông viết trong tờ giấy là cho mượn 100.000 đồng để mua đồ ăn, khi nào đi làm lại tôi trả. Thấy tờ giấy mà tôi xót xa. Tôi buôn bán những ngày này cũng khó khăn nhưng thấy ông vậy có ít thì cho mượn ít”, bà Phương nói.Trời càng tối, người đến thăm thầy càng đông. Những món quà trao tận tay thầy với tình cảm chân thành và mong muốn sẻ chia.

“Tôi thật sự đã ổn. Cả ngày nay tôi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ mọi người. Thậm chí bây giờ tôi có quá nhiều công việc mà không thể làm hết. Tôi xin phép từ chối để nhường những điều đó cho người khó khăn khác”, ông J. chia sẻ.

Những đơn vị, tổ chức và cá nhân muốn giúp đỡ ông có công việc để trang trải cuộc sống đang quá nhiều. Bản thân ông không thể nhận hết. Vì vậy, ông quyết định chia sẻ đầu việc cho những người bạn ngoại quốc đang gặp khó khăn như mình.“Thật sự, tôi rất cảm ơn tấm lòng của mọi người. Rất nhiều người đề nghị giúp đỡ qua điện thoại và tôi cũng tiếc vì không gặp mặt họ được nhưng có lẽ tôi sẽ tắt điện thoại trong một vài ngày tới để chuẩn bị cho công việc của mình”, ông J. tâm sự.

Anh Hồng Nam và vợ đến giúp đỡ ông J. sau khi xem tin tức. Ảnh: Trịnh Thanh


Bà Lương Ngọc Hà (68 tuổi) biết ông J. một thời gian, nhìn nhận ông là người tự trọng. Những người đến cho, tặng tiền, quà ông đều từ chối. Bản thân ông cũng không mong muốn mọi sự giúp đỡ tập trung vào mình. Cuộc sống là sẻ chia. Ngoài kia, không chỉ người ngoại quốc mà cả người Việt đang chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh.

“Sự giúp đỡ luôn cần thiết trong cuộc sống. Nhưng với tôi hiện tại đã rất ổn. Mọi người đừng lo lắng cho tôi mà hãy giúp đỡ thêm người khác”, thầy giáo Tây bộc bạch. Ý nguyện của thầy J.Dl à rất đáng cảm kích,  cũng rất mong mọi người tôn trọng quyết định này của thầy. 

Tấm lòng mà mọi người Việt, những bạn đọc của Thanh Niên giành cho thầy J.D thật đáng quý, hiện thầy đã được nhận hỗ trợ rất nhiều và theo như lời thầy thì thầy sẽ rất ổn trong thời gian tới. Bên cạnh thầy J.D vẫn còn những hoàn cảnh Việt cũng khốn khó không kém trong dịch Covid-19 lần này, rất nhiều trường hợp vẫn đang rất cần sự chung tay, giúp sức của cộng đồng vào lúc này!

Nguồn: Thanh Niên