Trẻ dưới 6 tuổi suy sinh dưỡng, chỉ số IQ giảm khá mạnh vì não bị tổn thương, theo chuyên gia dinh dưỡng.
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Phó Chủ tịch Hội Dinh dưỡng Việt Nam, ngày 6/1 cho biết não bộ của trẻ lúc mới sinh bằng khoảng 30% trọng lượng não người trưởng thành.
Trong năm đầu tiên, não trẻ phát triển khá nhanh. Đến một tuổi trọng lượng não tăng gấp ba lần khi chào đời. Hai tuổi, não trẻ đạt khoảng 80% trọng lượng não người lớn. Sáu tuổi, não trẻ tương đương người trưởng thành cả về kích thước, trọng lượng, các cấu trúc quan trọng.
Những năm đầu đời là giai đoạn trẻ phát triển rất nhanh về chiều cao, cân nặng. Theo nghiên cứu INCAP Oriente tại Mỹ, chiều cao lúc ba tuổi quyết định tầm vóc khi trưởng thành. Nếu trẻ thấp còi nặng, lúc ba tuổi cao 81,2 cm, đến khi trưởng thành chỉ đạt tối đa 158 cm. Trẻ phát triển tốt, ba tuổi cao 94,5 cm thì khi trưởng thành sẽ hơn 170 cm.
Theo bác sĩ Diệp, bên cạnh tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì gia tăng nhanh thì suy dinh dưỡng vẫn đang là gánh nặng của Việt Nam. Hơn 4 triệu trẻ Việt dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng. “Dù tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng giảm nhanh nhưng con số vẫn còn rất lớn, với khoảng 23% trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi”, bác sĩ Diệp nói.
Tỷ lệ thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam còn rất cao. Khoảng 30% trẻ em dưới năm tuổi thiếu sắt, 2/3 thiếu kẽm, 2/3 thiếu iốt, 50% thiếu vitamin D…
“Đảm bảo tốt dinh dưỡng để trẻ phát triển về thể chất, trí tuệ trong những năm đầu đời là rất quan trọng”, bác sĩ Diệp nói. Trong bốn yếu tố ảnh hưởng sức khỏe một người thì dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng nhất, tiếp đó là môi trường, di truyền và vận động.
Bác sĩ Diệp phân tích, nguyên nhân khiến trẻ rối loạn dinh dưỡng là do chế độ ăn không cân đối, bệnh tật gây mất hoặc tăng nhu cầu, không hấp thu dinh dưỡng, phụ huynh thiếu kiến thức về thực hành nuôi dưỡng, thực phẩm và chế biến, dùng nhiều thức ăn công nghiệp, vệ sinh cá nhân và các yếu tố môi trường…
Hiện nay tiêu chảy là nguyên nhân quan trọng, chiếm tỷ trọng cao dẫn đến suy dinh dưỡng trẻ em. Theo số liệu Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm khoảng 1,7 tỷ trẻ dưới tiêu chảy, trong đó 500.000 trẻ tử vong.
Bác sĩ Diệp khuyến cáo, người mẹ khi mang thai cần ăn uống đầy đủ, uống bổ sung các vi chất dinh dưỡng. Trẻ chào đời cần bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng, nên kéo dài thời gian bú mẹ đến 24 tháng, không cai sữa trước 12 tháng.
Cần chú trọng dinh dưỡng cho trẻ trong 1.000 ngày đầu đời. Lựa chọn thực phẩm giàu dinh dưỡng, sữa và các sản phẩm từ sữa có thành phần hỗ trợ tăng sức đề kháng, cho trẻ vận động thể lực, ngủ đủ giấc, ăn điều độ, ăn đủ bữa…
Nguồn: VnExpress