Các công ty proptech (công nghệ bất động sản) đang đóng góp tích cực vào thị trường bất động sản Việt Nam, với các lĩnh vực trọng tâm là quản lý bất động sản, tiếp thị và bán hàng.
Sôi nổi thị trường công nghệ bất động sản
Xu hướng đầu tư protech tiếp tục tăng, tuy nhiên, mục tiêu hướng đến là các nền tảng proptech bền vững và có khả năng sinh lời thực sự.
Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy hoạt động giao dịch trực tiếp chuyển sang giao dịch qua các nền tảng trực tuyến. Chỉ trong khoảng thời gian ngắn từ tháng 2 đến tháng 4 năm 2020, lưu lượng truy cập internet toàn cầu đã tăng 40%. Điều này tạo ra nhu cầu lớn về giao tiếp trực tuyến và tạo động lực phát triển các trung tâm lưu trữ công nghệ.
Savills Impacts dự báo quy mô thị trường lưu trữ dữ liệu công nghệ thế giới sẽ tăng trưởng với tốc độ 4,5%/năm và đạt 251 tỷ USD vào năm 2026. Việc phát triển công nghệ trong lĩnh vực bất động sản, hay còn gọi là proptech đã trở thành lĩnh vực màu mỡ thu hút nhiều đầu tư tại châu Âu, đặc biệt tại Anh, Đức và Tây Ban Nha.
Tại Việt Nam, trong giai đoạn 2019 – 2020, thị trường chứng kiến hoạt động sôi nổi của các nhà đầu tư tham gia vào phát triển công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản. Proptech bao gồm: nền tảng quản lý tài sản – bất động sản, nền tảng bán hàng và nền tảng định hướng đầu tư fintech khai thác bất động sản.
Ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc, Savills Việt Nam cho biết: “Chúng tôi có thể tự tin nói rằng thị trường proptech của Việt Nam đã tăng được thị phần trong khu vực Đông Nam Á và kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục”.
Proptech phù hợp thời đại, giải quyết nhiều vấn đề
Lý giải việc proptech tăng trưởng ngay trong đại dịch Covid-19, ông Neil MacGregor chỉ ra hai nguyên nhân chính.
Thứ nhất, thị trường bất động sản Việt Nam có tiềm năng lớn với dân số tới hơn 97 triệu người tính đến năm 2021. Thị trường bất động sản vẫn đang trong giai đoạn non trẻ với rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Proptech có khả năng đưa ra giải pháp khắc phục được những vấn đề tồn đọng này.
Thứ hai, người Việt có sự am hiểu nhất định về công nghệ và có khả năng tiếp nhận tốt với công nghệ mới. Thị trường proptech lại đang khai thác nhóm dân số am hiểu công nghệ này, đặc biệt là nhóm cư dân trong các tòa nhà chung cư, sử dụng các ứng dụng quản lý bất động sản.
Ở lĩnh vực bán hàng và tiếp thị, thị trường bất động sản của Việt Nam phải đối mặt với vấn đề thanh khoản, đặc biệt là ở thị trường thứ cấp. Nền tảng proptech có thể hỗ trợ tính thanh khoản này và dần mở cửa bất động sản cho đại chúng, cho phép mọi người Việt tham gia đầu tư vào bất động sản. Một ví dụ điển hình cho điều này là Realstake, gần đây đã được đổi tên thành Infina.vn.
Về quản lý bất động sản, các công cụ quản lý vận hành sẽ góp phần cải thiện hoạt động liên lạc, trao đổi giữa chủ đầu tư, ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành, và cư dân, tạo ra nền tảng quản lý vận hành minh bạch và linh hoạt. Ví dụ điển hình là phần mềm quản lý bất động sản Property Cube do Savills phát triển và sử dụng riêng cho các dự án đơn vị này quản lý.
Từ khi được triển khai năm 2018 đến nay, đã có khoảng 85% cư dân trong tổng số hơn 100 dự án mà Savills quản lý sử dụng Property Cube như một kênh trao đổi trực tiếp với ban quản lý, phục vụ đời sống hàng ngày của cư dân như nhận thông báo mới, đặt lịch sử dụng tiện ích, thanh toán online…
Hướng đến các nền tảng proptech bền vững và sinh lời
Bà Vũ Kiều Hạnh, Giám đốc Bộ phận Quản lý bất động sản, Savills Hà Nội cho hay: “Bên cạnh hoạt động quản lý, công nghệ đang đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu chi phí vận hành các dự án trong và sau Covid-19. Với tình hình hiện nay, việc điều chỉnh tăng phí dịch vụ hầu như rất khó thực hiện. Các yếu tố cấu thành chi phí vận hành như tiền lượng, tiền điện… đã được điều chỉnh tăng vài lần kể từ năm 2015, tạo áp lực về chi phí cho các đơn vị quản lý vận hành chuyên nghiệp. Việc triển khai ứng dụng công nghệ vào quản lý vận hành đã giúp tăng hiệu quả quản lý, đặc biệt tinh giản bộ máy, tối ưu chi phí vận hành tòa nhà”.
Theo bà Kiều Hạnh, so với các thị trường đã phát triển về ngành quản lý bất động sản như Singapore và Hồng Kông, thị trường Việt Nam sẽ vướng các khó khăn liên quan đến nhận thức của người dân về nội quy sử dụng nhà chung cư. Đơn vị quản lý chuyên nghiệp sẽ thêm phần khó khăn khi buộc phải áp dụng hoạt động quản lý chuẩn quốc tế song song với tuân thủ quy định của thị trường nội địa về quản lý, trong đó có yêu cầu quản lý minh bạch tài chính.
Phần mềm ứng dụng Property Cube với các báo cáo định kỳ, mang lại tính minh bạch trong hoạt động thu – chi hàng tháng của ban quản lý. Bên cạnh đó, tuổi trung bình hiện tại của các giám đốc quản lý bất động sản tại Việt Nam đang ở khoảng từ 40 đến 50, còn thiếu nguồn nhân lực trẻ tuổi. Sự thay đổi có yếu tố công nghệ sẽ thu hút những người trẻ tham gia vào lĩnh vực này.
“Thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là ở các thành phố trọng điểm như Hà Nội, TP.HCM và các đô thị nghỉ dưỡng. Chúng tôi kỳ vọng sẽ ngày càng nhiều vốn đầu tư vào proptech để phục vụ thị trường đang phát triển này. Xu hướng đầu tư hiện nay sẽ còn tiếp tục, tuy nhiên, mục tiêu hướng đến là các nền tảng proptech bền vững và có khả năng sinh lời thực sự. Rất nhiều nền tảng sẽ phải vật lộn để chứng minh khả năng sinh lời của mình trong nhiều năm và các nhà đầu tư sẽ tìm kiếm nền tảng thể hiện được khả năng phát triển bền vững và mang lại lợi nhuận cao, thay vì chỉ đốt tiền vào việc mở rộng quy mô nhanh chóng”, ông Neil MacGregor đánh giá.
Nguồn: Viet Build Forum