Trang chủ Khám phá ‘Yêu lắm Cù Mông’ nồng nàn tình yêu Phú Yên

‘Yêu lắm Cù Mông’ nồng nàn tình yêu Phú Yên

208
0
Chia sẻ

(Sống Xanh Sống Khỏe) – Tập truyện ngắn Yêu lắm Cù Mông (tác giả: nhà văn – nhà báo Mạnh Hoài Nam) không chỉ là bức tranh hết sức sinh động về cuộc sống mưu sinh của người dân miền tại nhiều vùng đầm, vịnh thuộc tỉnh Phú Yên, mà còn điểm xuyến cho cuộc đời này nhiều đóa yêu tình yêu lãng mạn, thi vị.

Mạnh Hoài Nam (1973) hiện công tác tại Báo Phú Yên, là hội viên Hội văn học nghệ thuật Phú Yên.

Nhà văn Đoàn Thạch Biền, một trong những người đầu tiên đọc bản thảo của tập truyện ngắn này đã nhận xét rằng từng có nhiều tác giả viết về vẻ đẹp thiên nhiên, đặc sản của các đầm vịnh như Ô Loan, Cù Mông, Xuân Đài, Vũng Rô,.. nhưng ít ai chú tâm viết về cuộc mưu sinh của cư dân sống nhờ những đầm vị này.

Và tác giả Mạnh Hoài Nam, với chính thực tiễn là “đi thực tế nhiều nơi” trong suốt quá trình làm nghề viết báo của mình, đã lặng lẽ chắt lọc biết bao cảm xúc, câu chuyện thực tế để sau đó trải lòng với độc giả sau những trang viết, những câu chuyện đầy sức sống, đầy tình cảm của bà con nơi đây.

Có thể, trong lối viết của mình, Mạnh Hoài Nam chưa “tả” da diết lắm, nhưng “nội lực” khiến người đọc phải đôi lần khựng lại vẫn là sự chân phương của cốt truyện, là những phương ngữ rặt miệt Phú Yên được khéo léo điểm xuyết trong từng tuyến nhân vật, và thậm chí là thủ pháp xử lý nút thắt cho từng tình huống.

Phú Yên, nổi tiếng với nhiều đầm vịnh vốn là nơi an toàn cho thuyền bè trú bão mỗi khi trở mùa, song ít ai ngờ rằng, trong cái không gian đầm vịnh ấy vẫn tồn tại không ít “bão lòng”, là sự chia xa của mối tình đơn phương, là sự chở che mà mọi người mẹ luôn dành cho con, là niềm tin tương sáng vào cuộc sống, là tình làng nghĩa xóm bất chấp phía trước là biết bao lo toan về cơm áo gạo tiền.

Đọc tác phẩm đầu tiên cùng tên Yêu lắm Cù Mông, nhiều người sẽ không khỏi ngấn lệ, bởi hòa trong nét đẹp truyền thống làng nghề được gìn giữ qua bao thế hệ, là tình cảm được nén chặt của một chàng trai dành cho người chị vốn chẳng chung huyết thống họ tộc. Tình yêu đó, sắt son và đầy chung thủy.

Tác giả Mạnh Hoài Nam, thông qua lối tả thực và trực tiếp, dường như đã lột tả trọn vẹn hình ảnh một vùng đầm Cù Mông rực rỡ với hàng trăm sào đèn hằng đêm giăng rớ đánh bắt cá tôm, tròn đầy các quy luật, kỹ thuật của cái nghề truyền thống mà theo bà con là “đủ nấu, đủ kho, đủ lo cho gia đình”, hay “làm cả đời giỏi lắm ai cất được cặp nhà xây cấp 4 là mừng”.

Một số tác phẩm của Mạnh Hoài Nam đã in gần đây: Về lại Ô Loan (tạp bút, NXB Hội Nhà văn, 2016), Thôn ‘9 hóc’ (truyện dài, NXB VHVN TP.HCM, 2020).

Rồi với nghề đóng chấn, nhân vật Sang trong tác phẩm Ngọn đèn Ô Loan được tác giả xây dựng dưới góc nhìn phản diện, là đại diện cho nhóm người sử dụng các biện pháp “thép” để tận diệt thiên nhiên, thay vì chỉ bắt cá tôm lớn – chừa cá tôm bé để thế hệ sau còn có cái mà khai thác như cha ông ta thường khuyên dặn. Tuy nhiên, tính hướng thiện trong mỗi con người chúng ta lại một lần nữa được tác phẩm đề cao, khi  mà Sang cùng nhóm bạn quyết tâm từ bỏ việc “thả lờ 12 cửa ngục”, tìm kế mưu sinh mới.

Và cùng năm tháng, vợ chồng Sang quay trở lại khi mùa “nước ói” (tức mùa mưa lụt, khiến từ nhánh sông Cái đổ vào đầm Ô Loan, đục ngầu, khiến cá tôm đất, cua, ghẹ sống trong đầm bị sốc nước ngọt nên trồi đầu lên), nhưng lần này, Sang chỉ đánh bắt kiểu đóng chấn truyền thông như nhóm lão bạn già Hai Dần, Ba Tịnh, Năm Thông, Bốn Nhịn.

Có thể  nói rằng, tình xóm giềng là điều được tác giả Mạnh Hoài Nam đặc biệt chú trọng và gửi gắm vào các tác phẩm của mình thông qua những tuyến nhân vật, câu chuyện thật trong trẻo. Như trong Nắng lửa, chuyện nhà chị Hiền tưởng chừng chẳng có gì, nhưng lại chính là bức tranh về người phụ nữ nông thôn miền Trung nói riêng và Việt Nam nói chung, luôn tảo tần lo cho chồng con, là đôi ba lần cãi vã giữa hai nhà hàng xóm chì vì ba cái chuyện nhỏ xíu nhưng rốt cuộc thì tối lừa tắt đèn vẫn có nhau, không ngại sang hèn gốc tích. Cái nắng như đổ lửa của Phú Yên, bỗng dưng mát dịu và ấm áp đến lạ thường, qua từng mẩu chuyện.

Nhưng hơn bao giờ hết, gia đình vẫn luôn là nơi để trở về, để yêu thương và để nhung nhớ. Đọc Màu mắm ruốc, Nửa bàu rau muống, hay Quê nhà, chúng ta sẽ không khỏi bồi hồi với tình cảm sâu đậm của má con nhà anh Toàn, sự ân cần tình bạn đáng có giữa hai người từng là đôi vợ chồng mặn nồng, và tình yêu thương đong đầy giữa Loan, má và cậu em trai đang sinh sống nơi phố thị.

Và rồi, ở Phú Yên, như mọi miền khác trên đất nước Việt Nam này, cũng có những ngày Tết truyền thống thật nồng ấm, thời khắc của sự sum vầy, của bếp than hồng sưởi ấm mùa đoàn viên, và cả những trái tim không muốn quên “những cái Tết bên này” bởi ở mọi nơi trong xóm làng đều là chuỗi kỷ niệm tình yêu ngày trẻ.

Tập truyện ngắn Yêu lắm Cù Mông hiện được Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TP.HCM phát hành đến công chúng với giá 85.000 đồng.

_______________

Để cùng cộng đồng nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai giãn cách xã hội nhằm phòng, chống có hiệu quả dịch Covid-19 trong thời gian 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/1/2020, Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ triển khai kênh bán sách trực tuyến qua kênh Fanpage https://www.facebook.com/nxbvanhoavannghetphcm/ và qua hai số hotline 0903033237 – 0937662811.

Nguồn: NXB Văn hóa – Văn nghệ