Trang chủ Tiêu dùng Cách quản lý tiền đơn giản cho người không giỏi số

Cách quản lý tiền đơn giản cho người không giỏi số

7
0
Chia sẻ

Kiểm soát chi tiêu hàng tháng với phương pháp 50/20/30 cơ bản.

Điểm chính:

  • 50/20/30 là kế hoạch tài chính cơ bản với mục tiêu giữ 20% thu nhập cho tiết kiệm, dự phòng
  • Theo quy tắc này, sinh hoạt phí chỉ nên giữ ở mức dưới 50% thu nhập sau thuế
  • Những khoản chi phục vụ sở thích riêng có thể được giản lược để tối ưu ngân sách

Với người không có thói quen để ý dòng tiền, việc quản lý thu nhập có thể không dễ dàng. Một trong những cách đơn giản để bắt đầu là bạn chia tiền theo đầu mục, sau đó tiêu xài gọn trong khoản tiền đã định.

50/20/30 là tỷ lệ thường được gợi ý trong tài chính cá nhân. Cách phân bổ tiền này phù hợp với người không muốn tính toán chi li mà vẫn có khoản tiết kiệm nhất định.

Quy tắc 50/20/30 là gì?

Phương pháp chi tiêu theo tỷ lệ 50/30/20 có nguồn gốc từ cuốn “All Your Worth: The Ultimate Lifetime Money Plan” của tác giả Elizabeth Warren. Trong sách, bà đề cập đây là quy tắc chung giúp các gia đình lao động lên kế hoạch chi tiêu, đồng thời chuẩn bị tài chính cho tình huống bất ngờ.

Áp dụng 50/20/30 nghĩa là bạn chia nhỏ tổng thu nhập sau thuế theo tỷ lệ phần trăm như sau:

  • 50% chi phí thiết yếu: Những khoản tiền duy trì sinh hoạt của bạn như thuê nhà, ăn uống, điện nước, đi lại,…
  • 20% mục tiêu tài chính: Tiết kiệm tiền cho mục tiêu cụ thể như trả nợ, kết hôn, mua nhà, đầu tư; hoặc tích lũy quỹ dự phòng khẩn cấp
  • 30% tiêu dùng cá nhân: Các khoản chi phục vụ nhu cầu giải trí, học tập, mua sắm, xã giao,…

Lập ngân sách như thế nào?

Theo The Balance, vấn đề không ít người gặp phải trong quản lý tài chính cá nhân là tiêu quá nhiều và để dành quá ít. Thực hiện 50/20/30 là một cách để nhận thức thói quen tài chính, từ đó biết dè sẻn, hạn chế bội chi.

Bước 1: Tính thu nhập hàng tháng

Cộng tất cả khoản tiền bạn thu vào mỗi tháng, bao gồm lương, thưởng và tiền làm thêm nếu có. Để ước lượng chính xác hơn, hãy trừ các khoản thuế phải trả.

Bước 2: Chia tiền vào từng danh mục

Ở bước này, bạn phân loại các chi phí của mình vào 3 nhóm được gợi ý.

Lần lượt nhân tổng thu nhập với 0,5 (chi phí thiết yếu), 0,2 (mục tiêu tài chính) và 0,3 (tiêu dùng cá nhân), bạn sẽ biết mình được phép tiêu bao nhiêu cho mỗi danh mục.

Giả sử, lương của bạn là 20 triệu đồng. Theo cách tính này, hàng tháng, bạn sở hữu 10 triệu đồng chi các khoản cần thiết, 4 triệu đồng để tiết kiệm hoặc trả nợ tùy hoàn cảnh, và 6 triệu đồng cho đời sống cá nhân.

Bước 3: Chi tiêu theo số tiền đã định và điều chỉnh

Hãy chắc rằng một nửa thu nhập sau thuế của bạn đủ trang trải các chi phí thiết yếu. Trong trường hợp cảm thấy mình đang vượt ngân sách, bạn có thể thử sử dụng phương tiện công cộng, nấu ăn ở nhà, tắt bớt điện để giảm hóa đơn.

Ngoài ra, danh mục tiêu dùng cá nhân cũng có thể cắt giảm bởi đây là các chi phí linh hoạt. Thực tế, theo Investopedia, bất cứ khoản nào trong mục này đều có thể loại bỏ khi bạn muốn tối ưu ngân sách.

Trước khi chuẩn bị quỹ hưu trí hay hướng đến một số mục tiêu khác, Warren nói bạn nên có trong tay ít nhất 3 tháng tiền lương để đề phòng bất trắc.

Cần lưu ý gì với 50/20/30?

Dưới đây là một số lưu ý từ The Balance giúp bạn quản lý tài chính tốt hơn:

Bạn là người quyết định danh mục

Ăn uống là nhu cầu cần thiết, nhưng một ly trà sữa hay đồ ăn vặt lại có thể tính vào sở thích cá nhân. Do đó, không có quy định tuyệt đối cho việc phân loại chi tiêu.

Đừng lo lắng nếu bạn không biết chia danh mục thế nào cho hợp lý. Hãy làm theo suy nghĩ riêng, miễn là bạn đảm bảo khả năng tài chính cho cả 3 mục.

20% không phải con số cố định

Với các mục tiêu lớn như nghỉ hưu sớm hoặc định cư ở khu vực giá nhà cao, 20% tiết kiệm có thể không đủ. Lúc này, bạn phải cân đối thu nhập, nâng phần trăm tích lũy và hạ các chi phí khác.

Trái lại, nếu thu nhập của bạn chỉ đủ trang trải cuộc sống, hoặc bạn là trụ cột của gia đình nhiều thành viên, thì khoản tiền tiết kiệm có thể giảm. Dù vậy, bạn vẫn nên cố gắng duy trì nó.

Cần theo sát ngân sách đề ra

Quy tắc 50/20/30 chỉ là mảnh ghép nhỏ của bức tranh lớn hơn về tài chính. Để chắc rằng mình theo đúng kế hoạch, bạn cần quan sát và cân nhắc từng khoản chi hàng ngày.

Bằng cách giảm tiền ở các mục không quan trọng, bạn sẽ có thêm ngân sách cho việc cần làm và sớm đạt mục tiêu tài chính của mình.

Nguồn: Zing