Trang chủ Gia đình Chàng trai bỏ Sài Gòn về quê chăm cha mẹ già

Chàng trai bỏ Sài Gòn về quê chăm cha mẹ già

47
0
Chia sẻ

Tốt nghiệp đại học và đang có công việc khá tốt ở Sài Gòn, năm 2015, Vĩnh Hưng đột ngột nghỉ việc, về Bến Tre làm vì anh “nhận ra cha mẹ đã già”.

Mai Huỳnh Vĩnh Hưng, 32 tuổi, giải thích về quyết định của mình: “Lần ấy đưa cha mẹ đi khám sức khoẻ tổng quát, cầm kết quả trên tay mà hai chị em mình run sợ khi phát bác sĩ nói bàng quang của cha có một polyp, phải phẫu thuật. Lúc đó mình cứ khấn trời phật ‘Cầu cho cha mẹ con bình an. Con hứa con không đi đâu nữa. Xin cha mẹ con còn mạnh khoẻ để con báo hiếu ông bà”.

May mắn ca phẫu thuật thành công và không để lại di chứng.

Vĩnh Hưng đã quyết định về quê làm việc vì thấy cha mẹ tuổi đã cao. Anh trồng một vườn hồng cho cha mẹ ngắm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Vĩnh Hưng đã quyết định về quê làm việc vì thấy cha mẹ tuổi đã cao. Anh trồng một vườn hồng cho cha mẹ ngắm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bố Hưng từng là phó giám đốc một công ty thủy sản nhưng vì gặp biến cố mà gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn. Cậu vẫn nhớ năm mình 6 tuổi, gia đình khánh kiệt, phải ở nhờ dưới mái hiên của một nhà khác. Sau đó dì cậu đã cho mượn tiền giúp gia đình mua miếng đất, dựng tạm căn nhà che mưa nắng.

Bố Hưng bắt đầu lại với việc nuôi heo. Hàng ngày, từ khi trời còn chưa sáng rõ ông đã dẫn heo đi phối giống, kéo mũ che nửa mặt để nhỡ gặp người quen cũng dễ tránh. Còn mẹ cậu là một y tá, ngoài giờ làm vẫn đi xin cơm thừa về nuôi heo. Bà dậy từ 3h sáng đẽo từng trái dừa đem vào cơ quan bán để kiếm thêm thu nhập.

Năm Hưng lên 9, cha cậu tích cóp mua được chiếc tàu chở hàng đi biển. Kinh tế gia đình chưa kịp hồi phục thì trong một chuyến hàng, ông bị đánh thuốc mê, bị cướp tàu, bao nhiêu hàng hóa mất hết. Khi tỉnh lại, ông thấy mình đang nằm trên một tấm gỗ dập dềnh giữa sông.

“Ở nhà ba mẹ con tôi những tưởng cha chết rồi. Khoảng 20 ngày sau cha mới lấy dũng khí trở về. Lúc đó mẹ ôm cha khóc thảm thiết'”, Hưng kể.

Sau hai biến cố, cha mẹ Hưng lại gượng dậy. Họ trải qua một số nghề nữa cho tới khi mua được một mảnh đất mặt đường, kinh doanh sách thì kinh tế gia đình mới dần yên ổn. “Chị em mình lớn lên bằng từng đồng từng cắc đúng nghĩa mồ hôi, nước mắt của cha mẹ. Cha là tấm gương, là người mà mình ngưỡng mộ”, Hưng cho hay.

Cả một đời vất vả, bố mẹ Hưng giờ được an nhàn bên hai con hiếu thảo. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cả một đời vất vả, bố mẹ Hưng giờ được an nhàn bên hai con hiếu thảo. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Năm 2015, khi quyết định về quê, Hưng đi làm thuê một thời gian. Sau cùng anh về quản lý tiệm sách để cha mẹ được nghỉ ngơi. Ngoài ra anh còn kinh doanh thú cưng.

Tranh thủ thời gian rảnh, Hưng bắt đầu làm một vườn hoa hồng để tặng ba mẹ và chị gái. Khu vườn vốn được chàng trai ấp ủ từ lâu khi chứng kiến cha mẹ tiếc vì phải bán ngôi nhà rộng, có vườn rau để chuyển vào trung tâm thành phố, còn chị gái cậu từng buồn vì không có nổi 20.000 đồng mua một bông hồng mình thích.

Sau hơn một năm, vườn hồng của Hưng tươi tốt. Ở đó, cậu đặt bộ bàn ghế cho cha mẹ ngồi ngắm mỗi sáng mỗi chiều, để chị gái và các cháu về thì cả nhà ngồi đó trò chuyện.

Bà Huỳnh Thị Thơm, 64 tuổi, mẹ Hưng chia sẻ: “Nhờ con trai trở về chăm sóc ngôi nhà và quản lý việc kinh doanh nhà sách, cuộc sống của vợ chồng tôi an nhàn hơn. Con còn trồng cho vườn hoa hồng, giờ mỗi ngày ngắm hoa, ngửi mùi hương là niềm vui của vợ chồng tôi”.

Miền Tây vừa trải qua đợt hạn mặn lịch sử. Tất cả các cây hoa kiểng gần như sắp chết. Vườn hồng của Hưng cũng chết nhiều khiến cậu buồn, nản. Nhưng nghĩ vườn là niềm vui của cha mẹ, là món quà tặng cho chị hai, nên anh lại cố gắng chăm sóc. Hàng ngày, anh phải đi đổi nước ngọt cách nhà hơn 3 km. Mỗi lần 7 thùng 20 lít, hì hục khiêng lên lầu để tưới từng cây. May mắn khi qua hạn thì vườn đã tươi tốt trở lại, hoa bắt đầu rực rỡ.

Giờ đây, sau 5 năm về quê, Hưng an vui với lựa chọn của mình. “Chị em chúng tôi đều nghĩ, dù thành công đến đâu, giàu có đến đâu, chữ ‘hiếu’ không tròn thì không thành người”, chàng trai bộc bạch.

Nguồn: VnExpress