Trang chủ Gia đình Khi trường học đóng cửa, cha mẹ thích ứng với những vai...

Khi trường học đóng cửa, cha mẹ thích ứng với những vai trò mới

115
0
Chia sẻ

Trong những ngày này, với những người làm cha mẹ ở Việt Nam thì việc duy trì công việc và chăm sóc con cái khi các con ở nhà giữa tâm dịch Covid-19 vừa là thách thức lẫn cơ hội.

Trong suốt bảy tuần qua kể từ sau Tết Nguyên đán, các trường học ở Việt Nam đã và đang phải cho học sinh nghỉ học liên tục. Trẻ em và học sinh trên cả nước đang ở nhà tránh dịch với ngày trở lại trường dường như còng khá xa. Cuối tháng 1 năm 2020, Việt Nam phát hiện ca dương tính Covid-19 đầu tiên. Tính đến sáng ngày 24 tháng 3, Việt Nam đã có 123 ca dương tính. Trong các nỗ lực ứng phó sớm với dịch COVID-19, Chính phủ đã quyết định tạm cho học sinh trên cả nước nghỉ học từ đầu tháng 2.

__________________________

“Tôi nghĩ trong giai đoạn nguy cơ lây nhiễm cao
thì cho các con nghỉ học,
không phải đến trường, là một việc cần làm”,
chị Lê Nguyệt, người mẹ hai con, tâm sự.
“Nhưng đối với hầu hết các cha mẹ, chăm sóc con cái
khi các cháu không đến trường hàng ngày cũng là một thách thức”.
__________________________

Nguyệt và con gái, Nguyệt Linh cùng đọc sách.
Nguyệt và con gái, Nguyệt Linh cùng đọc sách. Ảnh: Nguyễn Bình Nam

Gọi khoảng thời gian này là “một kỳ nghỉ dài  đặc biệt”, chị Nguyệt và những ông bố bà mẹ khác đang phải xoay xở giữa công việc ăn lương và chăm sóc con khi chúng không đến trường. Nhiều bố mẹ phải nhờ họ hàng, ông bà trông cháu giúp vào ban ngày. Với những gia đình sống ở thành phố và có họ hàng ở quê, trẻ con cũng được gửi về quê. Với những bố mẹ không có ai hỗ trợ thì anh chị lớn hơn được giao tự trông em với sự theo dõi sát sao của cha mẹ từ xa. Một số bố mẹ không có sự lựa chọn nào khác là phải xin nghỉ không lương hoặc nghỉ việc để có thể vượt qua được thay đổi này.

Vẫn lạc quan và mạnh mẽ trong hoàn cảnh khó khăn nhất, chị Nguyệt tự thấy mình may mắn vì chị là giảng viên đại học, chị có thể làm việc tại nhà.

__________________________

“Khi các con được nghỉ học đến tuần thứ hai,
tôi nhận ra rằng tình hình này sẽ còn tiếp tục.
Lúc đó tôi bắt đầu thấy lo. Gia đình tôi cần phải thích ứng
càng nhanh với tình hình này càng tốt”.
__________________________

Nguyệt Linh và em trai chơi trò cắm trại trong nhà để cùng đọc sách.

Nguyệt Linh và em trai chơi trò cắm trại trong nhà để cùng đọc sách. Ảnh: Lê Hoàng Minh Nguyệt

Chị Nguyệt chơi xâu hạt cùng hai con

Chị Nguyệt chơi xâu hạt cùng hai con. Ảnh: Nguyễn Bình Nam

Với tâm thế lạc quan “biến rủi thành may” và quyết tâm không để con mình sau này nhìn lại giai đoạn khó khăn này với “sự sợ hãi và chán nản,” chị Nguyệt hướng dẫn cho các con lập thời gian biểu hàng ngày, trong đó có việc làm bài tập các thầy cô giao tại nhà. Khi hướng dẫn con tự thiết kế một ngày sinh hoạt của mình, chị thấy các con học được cách làm việc có mục đích, kỹ năng lên kế hoạch và khả năng thích ứng với thay đổi.

“Thời gian biểu của các cháu có rất nhiều hoạt động khác nhau như đọc sách, học nấu ăn hoặc giúp đỡ bố mẹ việc nhà. Gia đình tôi cũng chơi trò chơi cùng các cháu như trò chơi bản đồ tư duy, liệt kê toàn bộ các tỉnh thành của Việt Nam, bắt đầu bằng những tỉnh thành mà các cháu đã được đến, sau đó nhà tôi lại chơi trò chơi đoán tên các quốc gia trên thế giới.” “Buổi sáng, hai đứa trẻ thức dậy sớm chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả nhà và háo hức đón chào một ngày mới”.

__________________________

“Tôi nghĩ là có rất nhiều thứ để trẻ có thể làm,
có thể chơi và học ở nhà,” Chị Nguyệt chia sẻ.
“Nhưng quan trọng nhất, đây là dịp để cha mẹ và con cái
gắn kết tình cảm với nhau hơn”.
__________________________

Con gái lớn của chị, bé Nguyệt Linh, đang ở độ tuổi teen, đam mê với vấn đề biến đổi khí hậu. Linh đã tổng hợp một loạt nội dung giới thiệu về sự sống thiên nhiên hoang dã và hành tinh trái đất. Nguyệt Linh đang rất quan tâm đến loài tê tê. Trước thời gian nghỉ ở nhà do dịch, Linh đã giúp vận động gây quỹ cho Save Vietnam Wildlife thông qua việc bán tem dính, túi và áo phông của tổ chức này cho những người hàng xóm xung quanh cháu. Cứ ba lần một tuần, Nguyệt Linh và em trai lại đi nhặt rác vứt xung quanh khu nhà mình sinh sống. Linh hi vọng rằng Linh sẽ có thể chăm sóc môi trường quanh khu nhà mình và làm nhiều hơn nữa để bảo vệ môi trường.

Buổi tối, khi bố Linh đi làm về, cả nhà lại quây quần chơi trò chơi, xem Tivi hay ra ngoài đi dạo.

“Điều quan trọng cần làm ở thời điểm này tìm những nguồn năng lượng tích cực và sức mạnh ở chính cộng đồng. Nếu không có sự quan tâm và hướng dẫn, trẻ em có thể sẽ phải ở nhà mà không ai quan tâm hoặc do không quản lý nên các cháu không làm gì mà chỉ lên mạng,” chị Nguyệt nói thêm.

Ở vùng nông thôn Việt Nam, tuy nhiên, những người làm cha mẹ lại gặp những khó khăn khác. Ở nơi mà phần lớn cha mẹ làm nông, cả ngày làm việc dưới ánh nắng gay gắt chói chang, trẻ em phải theo mẹ đi làm. Trong lúc cha mẹ làm việc, các em phải tránh nắng dưới tán lá cây hay tự chơi gần đó. “Vừa làm nông, cuốc đất, trồng cây và vừa trông chừng con rất là khó,” chị Nu – một bà mẹ dân tộc Ba Na – tâm sự. “Còn khó khăn hơn khi có ngày con không khỏe và vẫn phải theo bố mẹ ra đồng làm việc. Có ngày tôi phải chọn hoặc là lên rẫy hoặc là ở nhà trông con.”

Gạt sang một bên những thiệt hại to lớn về kinh tế đang ảnh hưởng đến nhiều nơi trên cả nước, các cha mẹ Việt Nam đang cố gắng hết sức xoay xở để thích ứng với tình hình mới. Những người mẹ như chị Nguyệt, chị Nu, đều cùng chung một quan điểm và cho chúng ta thấy rõ  rằng việc chăm sóc nuôi dưỡng con cái là thiên chức của những người làm cha làm mẹ và không khó khăn có thể khiến họ đầu hàng.

Nguồn: UNICEF