Trang chủ Khám phá Ôn lại kiến thức phòng tránh Covid-19 để đi du lịch

Ôn lại kiến thức phòng tránh Covid-19 để đi du lịch

69
0
Chia sẻ

Sau 100 ngày, Việt Nam đã ghi nhận thêm 1 ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng. Trước tình hình này, nếu gia đình hoặc người thân của bạn đang đi du lịch thì cần truyền tải ngay cho họ những thông tin phòng chống dịch sau đây.

Trải qua khoảng thời gian giãn cách xã hội, người dân trên cả nước đã quay trở lại với guồng quay công việc bình thường. Tuy nhiên mới đây, sau nhiều ngày chiến đấu kiên cường thì đến trưa ngày 25/7, Bộ Y tế chính thức công nhận Việt Nam đã xuất hiện ca bệnh 416 là một nam bệnh nhân đang trú tại Đà Nẵng. Đây được xem là trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên sau 100 ngày dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội.

Điều đáng lo hơn là vẫn chưa tìm thấy dấu vết của F0 nên chắc chắn những hộ gia đình đang có kế hoạch du lịch ở Đà Nẵng hay những vùng miền lân cận khác đều sẽ cảm thấy bối rối, lo lắng. Ngay lúc này, để bảo vệ sức khỏe cho người thân trong chuyến du lịch, bạn nên ôn lại một số kiến thức quan trọng từ các chuyên gia, bác sĩ ở nước ta. Những thông tin này đã từng được đăng tải trên trang Lá chắn Virus Corona – nơi chia sẻ những kiến thức tin cậy trong thời điểm phòng chống dịch COVID-19.

1. Khi ra đường bạn cần trang bị:

– Khẩu trang 3 loại.

– Mắt kính.

– Găng tay vải và nilong.

– Khăn giấy.

– Cây bút.

– Vài bao nilong có nút bấm vừa để vật dơ vừa để vật dụng của mình.

– Chai rửa tay nhanh sát khuẩn.

– Trẻ nhỏ: hạn chế ra đường cho an toàn.

– Hạn chế tối đa tụ tập đông người, hạn chế nói chuyện nếu không cần thiết.

2. Khi ra đường, bắt buộc phải đeo khẩu trang

* Khẩu trang tạm chia làm 4 nhóm sau:

– Khẩu trang vải che chùm mặt chống nắng.

– Khẩu trang vải kháng khuẩn giặt 30 lần.

– Khẩu trang Y tế chuyên dụng từ 3 đến 5 lớp.

– Khẩu trang chuyên dụng như những loại N95.

Đang đi du lịch cần ôn lại ngay những kiến thức cơ bản về phòng tránh COVID-19 từ các chuyên gia - Ảnh 1.

– Tại thời điểm này nếu đi ngoài đường, chạy xe bạn dùng khẩu trang vải kháng khuẩn (2) là ok. Tốt hơn nữa là trùm luôn khẩu trang vải chống nắng. Còn khẩu trang Y Tế và N95 nên để nhân viên y tế mang khi thực hiện nhiệm vụ.

– Khi bạn đi vào khu đông người, nhất là thang máy, siêu thị, cơ quan dùng máy lạnh, đặc biệt là máy lạnh trung tâm thì bạn trùm thêm bên ngoài một cái khẩu trang y tế và trong là khẩu trang vải kháng khuẩn.

– Không được sờ vào mặt trước khẩu trang, khi đeo phải chỉnh khẩu trang cho ôm sát.

– Khi cởi bỏ khẩu trang, tay cầm lên cọng dây thun và kéo xuống.

3. Khi đi ăn

– Không chấm múc chung một đĩa, không gắp đồ ăn cho người khác bằng đũa thìa đã ăn.

– Đi ăn nên chọn bàn thoáng, sáng, hạn chế ngồi chỗ máy lạnh.

– Hạn chế ngồi chung với người lạ.

– Không dùng khăn lau thìa đũa mà cửa tiệm thường hay vắt lên bó đũa.

– Khăn lau miệng, ăn xong của ai thì tự chủ động mang đi vứt vào thùng rác. Không để lung tung.

– Hạn chế tối đa tiệc tùng, ăn nhậu.

Đang đi du lịch cần ôn lại ngay những kiến thức cơ bản về phòng tránh COVID-19 từ các chuyên gia - Ảnh 2.

4. Khi đi thang máy

– Luôn luôn đeo khẩu trang trong thang máy.

– Quên khẩu trang móc khăn giấy ra che miệng.

– Không tựa lưng dựa lưng, cầm nắm vào thành thang máy, dùng cây bút hay vật nhọn bấm nút thang máy.

– Không cho con nít bấm thang máy mà người lớn nên làm việc đó.

– Tránh đi thang máy có quá đông người.

– Không chạm tay vào các bề mặt, đặc biệt bề mặt có nguy cơ nhiễm bẩn.

– Không đưa tay lên miệng để mút, không gãi mũi hoặc không dụi mắt.

– Sát khuẩn tay ngay bằng dung dịch sát khuẩn có nồng độ cồn >70% sau khi nhấn nút điều khiển thang.

– Các tòa nhà nên chuẩn bị sẵn dung dịch sát khuẩn trong thang máy nếu được.

– Không nói chuyện, phải “khinh người” ra mặt như thế này. Nếu ở những nơi nguy cơ nhiễm bệnh cao như thang máy trong bệnh viện thì cần phải đeo khẩu trang.

– Nếu ai ho, hắt hơi… thì phải í nhị che mặt, che mũi, che miệng bằng tay áo để tránh dính bẩn vào người kế bên.

5. Khi đi siêu thị

– Chọn siêu thị nhỏ, vắng người.

– Đeo khẩu trang vải hay lót thêm một lớp giấy lau tay, cũng cố gắng cách xa 1 mét, ghi sẵn cái gì cần mua, không mua sắm bằng mắt, về tới nhà rửa tay.

6. Khi đi công viên

– Nếu vắng người sao cũng được, đông người thì đeo khẩu trang vải, cũng đứng cách xa 1 mét.

7. Khi đi tập Gym

– Đề nghị mở cửa, tăng nhiệt độ, đeo khẩu trang vải.

– Nếu không được thì về nhà hít đất, tập xà… tự tập luyện trong phòng.

8. Khi đi Toilet công cộng

Đây là nơi rất dễ lây nhiễm, ngoài đi vệ sinh còn khạc nhổ, xì mũi, nhổ nước bọt vào các bồn rửa.

Đi vệ sinh công cộng ở công ty hay các trung tâm thương mại phải mang khẩu trang, hạn chế va chạm và rửa tay thật kỹ trước khi ra khỏi.

9. Khi đi du lịch

Đang đi du lịch cần ôn lại ngay những kiến thức cơ bản về phòng tránh COVID-19 từ các chuyên gia - Ảnh 3.

– Đeo khẩu trang vải, hạn chế đám đông, ở trong phòng, chán thì về. Lỡ mua tour thì hủy bỏ.

– Đi du lịch nước ngoài, về tới nhà vô cách ly.

10. Khi về nhà sau chuyến du lịch

– Mỗi nhà thường có một vòi nước trước nhà, bạn nên để một cục xà bông ở đó và trước khi vào nhà thì nên rửa tay ở ngoài cửa. Nếu không có thì dùng nước rửa tay nhanh để trước nhà.

– Mỗi nhà nên để thùng rác trước nhà có bịch nilong màu vàng để bỏ khẩu trang đã dùng, các vật như khăn giấy, nilong đã dùng và đậy kín.

– Khi mới về chưa thay đồ, hạn chế cho con ôm hôn.

– Khi thay quần áo nên vứt vào sọt và mang lên chỗ giặt, hạn chế treo quần áo trong phòng, nhất là phòng ngủ.

– Nên bỏ bóp, tiền vào 1 túi nilong và cất riêng. Đừng mang vô phòng ngủ.

– Hạn chế tối đa việc cho con nít mượn điện thoại chơi và nhớ phơi điện thoại ngoài nắng hay vệ sinh bằng alcool (cồn).

– Vệ sinh nhà cửa thường xuyên, mở cửa cho thoáng, máy lạnh vệ sinh lưới lọc 1 lần/tuần.

11. Khi đi đâu về thấy các dấu hiệu bất thường

* Tôi đi nước ngoài về, người khó chịu:

– Nếu trong vòng 14 ngày, mang khẩu trang đi xe gắn máy hay xe hơi nhà đến bệnh viện gần nhất, khai báo đúng.

– Nếu trên 14 ngày, trước giờ làm gì bây giờ làm vậy, cũng nên mang khẩu trang vì ngừa bệnh cảm cho người nhà.

* Tôi đi ngoài đường, đi vào toà nhà siêu thị… bây giờ khó thở, ho, thấy mệt:

– Tự nhớ lại theo thông tin xem mình có tiếp xúc gần với người bệnh trong 14 ngày (đi máy bay chung, ở chung nhà, làm việc chung phòng).

– Nếu có: đeo khẩu trang, đi ngay tới bệnh viện gần nhất, đi xe máy hay xe nhà.

– Nếu không, trước giờ làm sao thì bây giờ làm như vậy.

Ngoài ra, bác sĩ Trần Quốc Khánh – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức còn nhấn mạnh 20 điều mà người dân hãy hiểu và thực hiện để bảo vệ bản thân, cộng đồng trong công tác phòng chống dịch Covid-19:

1. Thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn cho cả nhà: Rửa tay thường xuyên, luôn súc họng bằng dung dịch sát khuẩn sau khi ra ngoài về hoặc trước khi ngủ và sau khi ngủ dậy…

2. Thực hành nâng cao sức đề kháng: Tập thể dục, ngủ đủ ít nhất 6 tiếng, sử dụng men vi sinh, ăn nhiều rau và hoa quả tươi, sử dụng thực phẩm có chất đề kháng như chanh, gừng, tỏi, mật ong, nấm..

3. Uống rất nhiều nước, vô cùng quan trọng.

4. Giữ tâm thái bình tĩnh. Hoang mang lo lắng và giận giữ sẽ làm hệ miễn dịch – sức đề kháng của chúng ta suy giảm nghiêm trọng.

5. Tiếp xúc ánh sáng tự nhiên mỗi ngày. Đeo khẩu trang vào và cả nhà cùng đi dạo chỗ vắng người mỗi sáng hoặc mỗi chiều, ít nhất 30 phút.

6. Vệ sinh các bề mặt vật dụng hằng ngày như điện thoại, máy tính, chùm chìa khoá, đồng hồ, kính mắt, bồn cầu, tay nắm cửa, vô lăng ô tô…

7. Bắt buộc đeo khẩu trang khi ra ngoài để bảo vệ mình và cũng là bảo vệ mọi người.

8. Ho-khạc-hắt hơi… luôn cần khăn giấy che kín. Luôn mang bên mình túi khăn giấy nhỏ.

9. Khai báo và chủ động cách ly khi có người thân từ nước ngoài về nước.

10. Dự phòng thuốc hạ sốt, nhiệt kế, oresol, dung dịch sát khuẩn và mỗi người 3 khẩu trang vải.

11. Theo dõi kênh thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh (Cổng thông tin chính phủ, báo sức khỏe & đời sống, truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, WHO, CDC…)

12. Liên lạc hotline bộ y tế khi cần tư vấn 19009095/19003228.

13. Phân biệt sơ bộ triệu chứng nhiễm COVID-19 (ho khan, đau cổ họng nhiều, hầu như không có đờm và dịch, sốt rất cao, đau tức ngực và khó thở nhiều) với cúm cảm thông thường (hắt xì hơi nhiều, dịch tiết nhiều, đau nhức toàn thân, sốt nhẹ hoặc không sốt, ít khi khó thở và đau tức ngực dưới dữ dội).

14. Làm việc online, nhóm nhỏ (nếu được) lúc này.

15. Gặp nhau không cần bỏ khẩu trang cũng không nên bắt tay, ôm ấp âu yếm nhau lúc này. Tốt nhất nói chuyện cách nhau ít nhất 1,8 mét.

16. Hạn chế tụ tập chỗ đông người như đám ma, đám cưới… Hủy tất cả những lịch ăn uống, liên hoan không cần thiết.

17. Hạn chế đi lại, di chuyển lúc này. Đặc biệt là di chuyển bằng các phương tiện công cộng như xe buýt, xe khách, máy bay, tàu thuyền. Nếu có thể hãy đi bằng phương tiện cá nhân.

18. Không nên tích trữ thực phẩm, khẩu trang. Không sử dụng ngôn ngữ tiêu cực, chia sẻ những bài viết không rõ nguồn gốc hoặc không phải từ những người làm y tế. Chúng ta gieo đi điều gì sẽ nhận lại đúng những điều như vậy, đó là quy luật của cuộc sống.

19. Bất cứ ai có dấu hiệu nghi ngờ (sốt, ho hoặc nghi ngờ tiếp xúc người nhiễm..) xin hãy tự cách ly tại nhà (hạn chế ra ngoài trừ đi thể dục và đi chợ búa, luôn đeo khẩu trang khi ra ngoài, không bắt tay bất cứ ai, không tham dự sự kiện hay tụ tập mọi người trong vòng 14 ngày.

20. Sẵn sàng tuân thủ cách ly nếu thuộc nhóm cần cách ly theo yêu cầu từ cơ quan kiểm soát dịch bệnh. Cũng như không nên kỳ thị bất cứ ai, vì dịch bệnh này sẽ không chừa bất cứ người nào.

Nguồn: Pháp luật và bạn đọc