Dù rất thơm ngon và bổ dưỡng nhưng loại rau này ít được mọi người biết đến vì thường mọc hoang trên núi cao.
Nụ rồng gai là một loại rau mọc hoang trên núi, có chồi non mập và lá mềm, hình dáng hơi giống củ ấu, thân có gai, thường được hái và ăn vào mùa xuân. Từ tháng 3 đến tháng 4 hàng năm, loại cây này mọc khắp các triền núi, nương rẫy cao và rất khó hái. Dù vậy, đây là thực phẩm bổ dưỡng và thơm ngon nên được rất nhiều người yêu thích.
Nụ rồng gai chứa nhiều chất dinh dưỡng: ngoài protein, chất béo, carbohydrate và axit hữu cơ, loại rau này còn chứa vitamin B1, vitamin B2, vitamin C, chất xơ thô, caroten, phốt pho, canxi, kẽm, magie, sắt, kali,… rất tốt cho cơ thể.
Không chỉ là món ăn ngon, tốt cho sức khỏe, nụ rồng gai còn có giá trị y học nhất định: có tác dụng bảo vệ gan, bồi bổ cơ thể, có tác dụng chữa bệnh tốt trong điều trị các chứng viêm cấp và mãn tính, suy nhược thần kinh. Người ta còn cho rằng loại rau này có công năng bổ khí, làm dịu thần kinh, cường tinh, bổ thận tráng dương.
Theo các chuyên gia Nhật Bản, vỏ và rễ của cây nụ rồng gai có tác dụng làm mạnh dạ dày. Nó cũng được người Nhật sử dụng để chữa bệnh tiểu đường, các bệnh về đường tiêu hóa và đặc biệt là ung thư dạ dày.
Các chuyên gia cũng đã phát hiện ra rằng vỏ rễ có tác dụng bổ tim, tốt hơn cả nhân sâm. Thành phần chính của cây là xyloside và tổng hàm lượng saponin trong vỏ rễ của loại cây này gấp 3 lần củ nhân sâm.
Cũng vì những lợi ích mang lại cho sức khỏe con người, nụ rồng gai còn được gọi là “vua của các loại rau rừng” và “cây nhân sâm”. Loại rau này có thể dùng để ăn sống, chiên, xào, làm súp hoặc chế biến thành dưa chua với các hương vị khác nhau. Nó rất ngon và ngọt, mềm và thơm đậm đà hương vị.
Ăn thêm 2 loại rau này để ngăn ngừa ung thư, kéo dài tuổi thọ
Không chỉ nụ rồng gai, có nhiều loại rau quen thuộc trong gian bếp nhà bạn cũng cực thơm ngon và có giá trị dinh dưỡng cao, có lợi cho sức khỏe:
1. Cần tây
Cần tây là thực phẩm chứa nhiều flavonoid, một hoạt tính sinh học có tác dụng chống lại các gốc tự do trong cơ thể và tiêu diệt tế bào ung thư. Bên cạnh đó, hợp chất polyacetylenes trong cần tây có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giảm thiểu các tế bào đột biến tăng sinh và gây hình thành khối u. Theo các nghiên cứu, rau cần tây có thể giúp cơ thể chống lại 6 căn bệnh ung thư thường gặp nhất: ung thư vú, ung thư phổi, ung thư ruột, ung thư ruột kết, ung thư tuyến tụy và bệnh bạch cầu.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, việc bổ sung chúng vào chế độ ăn uống không chỉ giúp giảm nguy cơ mắc ung thư mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như sau:
– Dưỡng huyết: Cần tây có chứa hàm lượng chất sắt cao, có thể bổ sung lượng sắt bị mất trong thời kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, giúp mắt sáng, tóc đen bóng, tránh tình trạng da xanh xao, khô ráp, sạm da.
– Thanh nhiệt và giải độc: Cần tây tốt cho gan, những người dễ bị khô miệng, khó thở, khó chịu, thường xuyên ăn cần tây có thể giúp thanh nhiệt, giải độc, bồi bổ cơ thể.
– Ngăn ngừa bệnh vẩy nến : Cần tây có chứa psoralen, có thể ngăn ngừa bệnh vẩy nến.
– Tốt cho dạ dày: Cần tây là một loại thực phẩm giàu chất xơ, có thể đẩy nhanh quá trình tiêu hóa và đào thải trong dạ dày, sau đó thông qua chức năng lợi tiểu của cần tây, các chất độc sẽ được bài tiết qua nước tiểu, làm giảm áp lực cho dạ dày và bảo vệ dạ dày.
2. Rau khoai lang
Rau khoai lang được biết đến như một thực phẩm rẻ tiền, là món ăn khoái khẩu của nhiều người, đồng thời cũng là thực phẩm hữu ích cho sức khỏe. Các nhà khoa học đã nghiên cứu và chỉ ra rằng dinh dưỡng trong rau khoai lang tốt hơn rất nhiều so với củ khoai lang. Không chỉ thế, hàm lượng canxi, sắt, photpho, carotene, vitamin C, B1, B2, niacin và các nguyên tố vi lượng khác trong rau khoai lang được xếp đứng đầu trong các loại rau.
– Chống ung thư: Thân cây khoai lang rất giàu các nguyên tố vi lượng, có khả năng chống ung thư và ngăn ngừa ung thư rất hiệu quả. Nghiên cứu trong ống nghiệm cho thấy chiết xuất từ lá khoai lang có tác dụng chống ung thư mạnh với các loại tế bào ung thư ruột kết, vú, tiền liệt tuyến, đại trực tràng và ung thư phổi. Cơ chế là nhờ các polyphenol và anthocyanin điều chỉnh chu kỳ tế bào, cảm ứng gây chết tế bào, giảm tăng sinh thành mạch.
– Tốt cho đường ruột: Rau lang có vị ngọt, mát, nhờ chứa nhiều chất xơ nên giúp nhuận tràng rất hay. Chất xơ trong loại rau này sau khi ăn vào cơ thể có tác dụng đẩy nhanh nhu động đường tiêu hóa, giúp tăng cường sinh lực cho dạ dày và tiêu hóa thức ăn. Đồng thời giúp tống độc tố ra khỏi đường ruột, có tác dụng bảo vệ ruột và dạ dày, ngăn ngừa và làm giảm táo bón.
– Chống lão hóa: Protein chất nhầy trong thân khoai lang có thể ngăn chặn sự lắng đọng các chất lipid trong máu trên thành mạch máu, có tác dụng ngăn ngừa xơ cứng động mạch và cũng có thể chống lại sự teo và lão hóa của các cơ quan của con người, cải thiện khả năng miễn dịch của cơ thể.
– Thanh nhiệt, giải độc: Rau khoai lang có tác dụng thanh nhiệt, giải độc rất tốt vì có tính thanh nhiệt, làm mát. Đặc biệt, loại rau này rất giàu chất diệp lục giúp làm sạch máu, loại bỏ độc tố trong cơ thể.
Nguồn: Trí thức trẻ