Trang chủ Dinh dưỡng Bác sĩ lưu ý chế độ dinh dưỡng cho người mắc Covid-19

Bác sĩ lưu ý chế độ dinh dưỡng cho người mắc Covid-19

11
0
Chia sẻ

Các bác sĩ của khoa Dinh dưỡng Tiết chế, Bệnh viện Phổi Trung ương biên soạn bộ Hướng dẫn chung trong quản lý chế độ dinh dưỡng và nuôi dưỡng những người mắc viêm phổi cấp do virus Covid-19.

Hướng dẫn này dựa trên các khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em và người lớn khi mắc virus, có sự bổ sung và điều chỉnh cho phù hợp với bối cảnh của Việt Nam, ở các khoa lâm sàng tại các bệnh viện, bao gồm Bệnh viện Phổi Trung ương.

Nguyên tắc

– Người bệnh cần được cung cấp các bữa ăn đầy đủ nếu vẫn tỉnh táo và có thể nhai, nuốt.

– Nhu cầu dinh dưỡng và chế độ chăm sóc dinh dưỡng cho từng người bệnh được đánh giá và quyết định dựa theo tình trạng dinh dưỡng của từng bệnh nhân, tiến triển và mức độ nặng của bệnh, cũng như các chỉ số khác như bệnh đồng nhiễm, bệnh liên quan đến chuyển hóa, và tuổi của từng người.

– Với những trường hợp đồng nhiễm đái tháo đường, suy thận, bệnh lý gan mật, tăng huyết áp… có chế độ phù hợp tương ứng.

– Các bữa ăn cung cấp cho người bệnh đảm bảo nóng sốt, ngon miệng, đủ dưỡng chất, dễ tiêu hóa, có thể chế biến ở dạng lỏng, nhuyễn, mềm, hay thông thường, phụ thuộc vào tình trạng, nhu cầu và khả năng nhai nuốt của người bệnh.

– Các bữa ăn đảm bảo không cần sự hỗ trợ từ nhân viên y tế khi cho bệnh nhân ăn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, có thể bảo quản trong phòng bệnh khoảng 1-2 tiếng mà vẫn an toàn, không/ít nguy cơ nhiễm bẩn, không cần sử dụng nhiều dụng cụ hỗ trợ ăn uống vì đây có thể là nguồn lây nhiễm.

– Nếu có thể, nên tìm hiểu xem bệnh nhân có thể ăn gì, thích ăn gì để giúp bệnh nhân ăn được nhiều hơn, cân bằng giữa yêu cầu/nhu cầu dinh dưỡng mà bệnh nhân cần đạt được với sở thích ăn của từng người.

– Ưu tiên sử dụng các thực phẩm cao năng lượng và giàu dưỡng chất, các chế phẩm hỗ trợ dinh dưỡng cao đạm cao năng lượng, tăng cường vitamin và chất khoáng được chế biến sẵn cho bệnh nhân ở giai đoạn sớm của bệnh, vì giai đoạn này người bệnh vẫn còn khả năng ăn, còn vị giác; cho những bệnh nhân đã nhiễm bệnh lâu hơn (ví dụ 2 tuần); những bệnh nhân đang trong giai đoạn phục hồi và những bệnh nhân sau khi ra viện.

– Lưu ý với những bệnh nhân có chỉ định nuôi ăn qua ống sonde dạ dày, cần chuẩn bị đủ nhân lực hỗ trợ, trang thiết bị cần thiết, thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn và quản lý/ xử lý chất thải đúng quy định để dự phòng lây nhiễm.

Nhu cầu năng lượng

– Người lớn 30-35 kcal/kg cân nặng thực tế/ngày 1.2-1.5g/kg cân nặng thực tế/ngày.

– Trẻ em 100kcal/kg cân nặng thực tế/ngày 1.0g/kg cân nặng thực tế/ngày.

Dinh dưỡng hỗ trợ dự phòng

– Nên bắt đầu nuôi dưỡng với thể tích ít, sau đó tăng dần thể tích để đạt nhu cầu dinh dưỡng. Năng lượng nên đạt 80%-100% nhưng không quá 110% nhu cầu.

– Đủ năng lượng: khi năng lượng cung cấp đáp ứng nhu cầu năng lượng theo cân nặng nên có.

– Thiếu năng lượng: khi năng lượng cung cấp chỉ đạt 70% nhu cầu năng lượng.

– Thừa năng lượng: khi năng lượng cung cấp đạt trên 110% nhu cầu năng lượng.

– Thiếu đạm: khi cung cấp đạm < 0.5g/kg/ngày.

– Cân nặng thực tế: là cân nặng đo được trong bệnh viện và áp dụng khi bệnh nhân không có phù, cổ chướng hoặc sụt cân cấp tính.

Chế độ/chế phẩm dinh dưỡng

Bổ sung vitamin và khoáng chất: Việc bổ sung vitamin và khoáng chất giúp hỗ trợ hệ miễn dịch phục hồi và rút ngắn thời gian điều trị bệnh, góp phần giảm nhẹ triệu chứng bệnh.

– Vitamin A: 5000UI

– Vitamin C liều cao 500-1000mg/ngày

– Vitamin D: 3000IU/ngày

– Vitamin B1: 250mg/ngày

– Kẽm Zn: 20mg/ngày (kẽm nguyên tố)

– Dầu cá biển sâu (Omega-3): 1000mg/ngày

Một số lưu ý

– Trong giai đoạn hồi phục khuyến khích người bệnh ăn được nhiều nhất có thể theo khả năng của họ.

– Bếp ăn chuẩn bị các suất ăn cần cách biệt với khu vực điều trị Covid-19.

– Đồ ăn được đựng trong: bát, cùng với đũa và thìa đặt tại phòng của bệnh nhân, phát riêng cho từng bệnh nhân, với quy trình làm sạch khử khuẩn dụng cụ bằng clo; và/hoặc dụng cụ dùng một lần (ống hút, thìa, dĩa, đũa) nên được đốt sau khi sử dụng. Việc này chỉ có thể phối hợp với đơn vị quản lý và xử lý chất thải của bệnh viện theo quy trình nghiêm ngặt.

– Quy trình thu gom bát, đĩa, đũa, muỗng, khay ăn, bộ dụng cụ nuôi ăn qua ống thông của người bị nhiễm phải tuân thủ quy định về chống nhiễm khuẩn nghiêm ngặt, người thu gom phải mang găng tay và các phương tiện bảo hộ khác, các dụng cụ mang về phải ngâm, rửa bằng xà phòng, hấp trong các thiết bị chuyên dụng. Dụng cụ bẩn mang về phải được di chuyển bằng đường riêng không cắt ngang các khu vực khác. Bố trí dụng cụ riêng cho nhóm người bệnh nhiễm.

– Chế độ ăn nên có sẵn ở các dạng: ăn cơm, ăn mềm (cháo, bún, miến, phở), ăn lỏng (soup) để phù hợp với lựa chọn theo tình trạng bệnh của bệnh nhân.

– Hầu hết người bệnh sẽ mất vị giác, ăn không ngon miệng, do vậy những dạng thức ăn mềm hoặc lỏng sẽ giúp bệnh nhân tiêu hóa và dung nạp tốt hơn.

– Chia nhỏ bữa ăn, ăn làm nhiều lần sẽ giúp bệnh nhân dung nạp tốt hơn.

– Tốt nhất bệnh nhân nên được tự lựa chọn chế độ ăn, điều này giúp bệnh nhân có cảm giác chủ động và tự đưa ra quyết định, do vậy họ sẽ có xu hướng muốn ăn và ăn nhiều hơn. Tuy nhiên việc này sẽ chỉ có thể khả thi khi số lượng bệnh nhân không đông và cơ sở vật chất, nhà bếp được trang bị đầy đủ, sẵn sàng.

– Các bữa ăn cho bệnh nhân nên tiến hành trong không khí thoải mái, không nên tạo thêm áp lực lên các bữa ăn khiến bệnh nhân căng thẳng.

– Nếu bệnh nhân khó nuốt, nên hướng dẫn bệnh nhân ngồi dậy khi ăn, hoặc ăn trong tư thế nửa nằm nửa ngồi. Dùng ống hút để giúp bệnh nhân ăn uống dễ dàng hơn.

– Với những bệnh nhân ở giai đoạn hồi phục, các bữa ăn hàng ngày (bữa ăn gia đình) có thể do bệnh viện cung cấp hoặc do người thân chuẩn bị nếu có thể. Hướng dẫn người nhà bệnh nhân cách lựa chọn thực phẩm và chế biến khẩu phần ăn đủ năng lượng và dưỡng chất và thực hành vệ sinh dụng cụ đúng cách.

– Với những bệnh nhân ăn ít từ 5 ngày trở lên, khi nuôi dưỡng cần chú ý tính toán kỹ lượng thực phẩm để tránh những vấn đề nuôi ăn lại (refeeding), đảm bảo đủ năng lượng và đạm trong mỗi khẩu phần ăn.

Nguồn: Vietnam Travel Life